Tôi loay hoay không biết làm thế nào để vượt qua khỏi "cái bóng" quá lớn của những bài văn hay mà không "vay mượn" những ý tưởng của họ.
Cứ mỗi đầu năm học mới, trong bộ sách giáo khoa cha mẹ mua cho tôi, thể nào cũng có thêm vài cuốn văn mẫu. Cấp nào cũng có, thể loại nào cũng góp mặt. Dường như văn mẫu là hành trang không thể thiếu của các học sinh. Mục đích của những cuốn văn mẫu này có lẽ là giúp học sinh viết tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi lại thấy những cuốn sách này mang lại những tác hại khôn lường. Trước hết, những cuốn văn mẫu sẽ khiến học sinh ngại nghĩ. Có một vài cuốn sách văn mẫu trong tay, học sinh sẽ có hết các dạng đề bài mà giáo viên thường ra.
Với mỗi dạng đề đã có bài mẫu, đọc qua là học sinh đã biết cần có những ý gì trong bài. Vậy thì cần gì phải động não nữa, cứ áp dụng các bước đó vào bài viết của mình là xong!
Kể cả khi chịu khó suy nghĩ, học sinh cũng dễ gặp phải vấn đề là khó thoát khỏi "cái bóng" của những bài văn mẫu và bị rơi vào tình trạng bí ý tưởng (writer’s block). Chính vì ngại nghĩ mà bài văn của các em sử dụng văn mẫu thường rập khuôn: từ bố cục của bài văn cho đến cách hành văn, cách sử dụng từ ngữ.
Do vậy, mỗi bài văn viết ra không còn thể hiện được bản sắc cá nhân của các em học sinh nữa, mà chỉ là những bài viết theo một khuôn mẫu ở đâu đó. Việc này khiến các em ngày càng rời xa mục đích của môn văn học và tiếng Việt là phát triển khả năng cảm thụ văn học và biểu đạt suy nghĩ cá nhân.
Tôi thấy đặc biệt kỳ lạ với những bài văn mẫu cho thể loại miêu tả và phát biểu cảm tưởng. Đã gọi là miêu tả hay phát biểu cảm tưởng thì mỗi người có một cách nhìn riêng, một lối suy nghĩ khác nhau cũng như cảm nhận không thể nào giống được. Với thể loại này, đơn giản chỉ cần ta nghĩ sao viết vậy, cần gì phải dựa vào những bài văn mẫu.
Cuối cùng, các cuốn sách văn mẫu đã vô tình tạo cho các em học sinh thói quen đạo văn. Các em học sinh vốn ngây thơ với cách suy nghĩ sách văn mẫu là sách tham khảo, cũng là một loại tài liệu giúp ta học hỏi, vậy ta "mượn" ý, "mượn" từ từ những bài văn mẫu thì có gì là sai?
Trên thực tế, đối với các văn bản sáng tạo hay học thuật, việc mượn ý, mượn lời từ những nguồn khác mà không trích dẫn được xem là "đạo văn" (plagiarize).
Lâu dần thành thói quen, khi học đến cấp cao hơn như đại học hay sau đại học, hành vi "đạo văn" sẽ khiến các em chịu nhiều hậu quả: nhận điểm 0 cho bài luận, không được tốt nghiệp nếu luận văn, luận án bị phát hiện đạo văn, bài báo khoa học không được đăng, công trình khoa học không được công nhận.
Tóm lại, tôi cho rằng những cuốn văn mẫu góp phần giết chết khả năng sáng tạo với ngôn từ của học sinh. Với số tiền bỏ ra để mua sách văn mẫu, chi bằng phụ huynh mua thêm sách cho con để đọc hằng ngày.
Đọc sách, đọc báo thường xuyên sẽ giúp các em học sinh nuôi dưỡng vốn từ vựng phong phú, biết cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, đúng ngữ pháp, và cao hơn là rèn luyện được kỹ năng tư duy phản biện để áp dụng vào các bài viết của mình…
TTO - Kỳ thi kết thúc năm học 2020 - 2021 được hội phụ huynh chúng tôi gọi vui là 'thi chạy dịch', do một ngày học sinh phải thi tới 4 môn.
Xem thêm: mth.97911010181501202-uam-nav-iab-gnuhn-os-iot-taht-iat-nahn-taht-iht-taht-coh-nad-neid/nv.ertiout