Hãng tin AFP cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 16 quan chức cấp cao Myanmar và các thành viên trong gia đình họ vào ngày 17-4, với cáo buộc ủng hộ "các cuộc tấn công bạo lực và gây chết người" nhằm vào phong trào ủng hộ dân chủ của nước này.
Trong số những người bị đưa vào danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ có bốn thành viên Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, bảy bộ trưởng, chủ tịch ủy ban bầu cử thuộc chính quyền quân đội và thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar.
Ba người khác trong danh sách trừng phạt bao gồm những người con của các thành viên Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, những người đã bị trừng phạt trước đó sau cuộc chính biến ngày 1-2.
Cảnh sát Myanmar dùng vòi rồng để trấn áp đoàn người biểu tình. Ảnh: SKY NEWS
“Chính quyền quân sự Myanmar đang đàn áp thô bạo phong trào ủng hộ dân chủ trong nước và chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bạo lực gây chết người đang diễn ra nhằm vào người dân nước này, bao gồm cả việc giết hại trẻ em" - đại diện Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích.
Bộ Tài chính Mỹ cũng tiết lộ chính phủ Canada và Anh cũng đang công bố các biện pháp trừng phạt tương tự đối với các thành viên chính quyền quân sự Myanmar.
Kể từ tháng 2, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thành viên lãnh đạo của chính quyền quân đội Myanmar cũng như các doanh nghiệp nhà nước tài trợ cho chính quyền này để gây áp lực buộc Myanmar quay trở lại chế độ dân chủ.
Myanmar đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kể từ khi lực lượng quân đội nước này tiến hành cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 và bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Theo một nhóm chuyên theo dõi cuộc khủng hoảng, ít nhất 780 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 50 trẻ em, cũng như hơn 3.800 người đã bị giam giữ trong chiến dịch đối phó người biểu tình của quân đội Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar phủ nhận con số này, đồng thời áp đặt lệnh hạn chế đối với các kênh truyền thông và mạng Internet, AFP đưa tin.
Ít nhất 780 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 50 trẻ em, và hơn 3.800 người đã bị giam giữ trong chiến dịch đối phó người biểu tình của quân đội Myanmar. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp vũ khí và đạn dược" cho Myanmar”.
Theo đó, dự thảo nghị quyết kêu gọi chính quyền quân đội Myanmar "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" và lập tức ngăn chặn "mọi hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa" và tôn trọng ý kiến của người dân được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11-2020.
Nghị quyết cũng đề nghị "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi" và tất cả những cá nhân "bị giam giữ, buộc tội hoặc bắt giữ tùy tiện" sau cuộc chính biến hôm 1-2.