- Bảo đảm ANTT ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026
- Lực lượng Công an bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
- Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri Công an TP Cần Thơ
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chủ trì có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/1/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng cơ quan, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ Công an đã tổ chức Lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công.
Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng, chống COVID-19, ví dụ như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Qua theo dõi, các địa phương rất tích cực, chủ động và đã tổ chức diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là những khu vực cách ly tập trung, những nơi có giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư, một số quận, huyện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đến nay, một số công việc chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn thành, sẵn sàng cho bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới. Từ nay đến Ngày Bầu cử chỉ còn 5 ngày, để bảo đảm cho cuộc bầu cử được tổ chức một cách dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn và thành công tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 18/5 nhằm mục đích tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho đến nay, kịp thời lắng nghe và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các tổ chức cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là Ngày hội non sông, Ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp.
Báo cáo trước hội nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia tổ bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử.
Theo đề nghị của 15 tỉnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, ba tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã tổ chức bầu cử sớm ở một số khu vực.
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức và vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ phụ trách tổ chức bầu cử để tổ chức chu đáo Ngày Bầu cử; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhất là các gia đình có người đi làm ăn xa để nắm sự thay đổi, bổ sung danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; thông tin để nhân dân tìm hiểu danh sách người ứng cử tại đơn vị bầu cử, số phiếu mỗi người được bầu để cử tri sáng suốt lựa chọn; thông tin về Ngày Bầu cử 23/5, thời gian, địa điểm bỏ phiếu, bố trí cử tri đi bỏ phiếu theo giờ; những quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau Ngày Bầu cử.
Cùng với đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng quy định, an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch và vận động từng người dân trực tiếp đi bầu cử; chỉ đạo tổng hợp tình hình ngày bầu cử, phân công cán bộ trực Ngày Bầu cử để kịp thời nắm bắt tình hình các địa phương, thực hiện việc báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia về tình hình địa phương thông qua kênh báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đến thời điểm này, an ninh không có vấn đề gì phức tạp dù âm mưu phá hoại vẫn thường trực, nguy cơ rất lớn. So với những kỳ bầu cử quốc hội trước, ý đồ phá hoại bầu cử đã giảm đi rất nhiều. “Chúng tôi bố trí mỗi điểm bầu cử đều có cán bộ Công an canh gác, đảm bảo ANTT. Hiện cơ bản các điểm đã lập danh sách cử tri nhưng biến động di cư trong dân rất lớn, giữa người thường trú, tạm trú, vãng lai có biến động rất lớn, nhất là do tình trạng dịch nên tình trạng này càng phức tạp” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và đề nghị Hội đồng bầu cử phải chú ý vấn đề này vì trên thực tế, sẽ có người được niêm yết danh sách cử tri lại không có mặt tại địa bàn vào ngày bầu cử. Ngược lại, những người vãng lai lại ko được quyền bỏ phiếu. “Nếu không cẩn thận thì không đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu theo quy định” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, hiện có xuất hiện 1 vài điểm có nguy cơ nhưng không lớn, không nhiều. Đây là những điểm nóng có hiện tượng vận động người dân không đi bầu cử. Các đối tượng này thường xúi giục người dân đưa ra yêu cầu này, yêu cầu kia, nếu chính quyền không đảm bảo đáp ứng yêu cầu thì sẽ không đi bầu cử.
“Chính vì vậy, cần rà soát, nắm cho chắc những vấn đề này. Công an đã nắm được một số điểm phức tạp như vậy, một số điểm liên quan đến tôn giáo. Đề nghị giám sát, kiểm tra, chịu trách nhiệm và có hướng dẫn chung về vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị và cho biết, ngày 23/5 tới là ngày hết sức quan trọng. Cho tới nay các việc chuẩn bị đều đáp ứng nhưng ngày bầu cử. Tuy nhiên, có một số việc rất dễ dẫn đến sơ hở, như chuyện 1 người đại diện cho cả gia đình, bỏ phiếu tập thể thì cần chú ý không để phát sinh dư luận xấu. Nếu làm ẩu, làm vi phạm thì dễ phải dừng lại hoạt động bầu cử, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động cả nước.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng tới công tác bầu cử, nhất là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc vì các địa bàn này bước vào mùa mưa lũ. “Như hôm tôi đi Bắc Kạn, ngày hôm đó có lũ, 400 hộ dân mất, hư hỏng nhà. Có những vấn đề phát sinh bất ngờ như đường giao thông bị chia cắt, có thể ko đưa được hòm phiếu đến và đi khỏi địa bàn. Vậy nên cũng phải tính thực tế việc tổ chức bỏ phiếu sớm ở nhiều địa bàn cho linh hoạt”. – Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Từ đầu cầu TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn báo cáo phương án tổ chức bầu cử tại địa phương có số lượng đơn vị hành chính lớn nhất cả nước này. Hà Nội có tới 30 đơn vị hành chính cấp huyện với hơn 10 triệu người cư trú, trong đó hơn 8,3 triệu cử tri có hộ khẩu thường trú. Thủ đô được xác định là địa bàn cần đặc biệt chú ý khi đây là trọng điểm hoạt động chống phá của các đối tượng thù địch, cũng là vùng dịch COVID-19 phức tạp hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo HĐND Hà Nội thông tin cụ thể về những khó khăn, vướng mắc với những khu vực đang bị phong toả, cách ly trên địa bàn. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, thành phố đã có kịch bản cho vấn đề này, tất cả các đơn vị tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23/5 theo kế hoạch.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng trình bày, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn không có nút thắt lớn ngoài việc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tap. Đà Nẵng có hàng chục điểm cách ly với gần 6.500 người là F1, F2 đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Đây chính là việc cần phải tính trong cuộc bầu cử ít ngày tới. Đến nay, hơn 500 điểm bỏ phiếu tại Đà Nẵng đều được diễn tập bỏ phiếu. Lực lượng đảm bảo công tác bầu cử đến nay đều đã được xét nghiệm COVID-19. Đà Nẵng cũng đang triển khai rà soát để mỗi hộ gia đình tên toàn thành phố sẽ có ít nhất 1 người đại diện được xét nghiệm để rà soát nguồn bệnh trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cập nhật tình hình tại ổ dịch phức tạp nhất cả nước hiện nay cho biết, tính đến 0h 18/5, Bắc Giang đã phải dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn, phong toả toàn bộ huyện Việt Yên, huyện lớn nhất của tỉnh, hiện tập trung hơn 100.000 công nhân. Ngoài ra, 3 huyện khác của Bắc Giang cũng phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Tỉnh đang tính toán việc tổ chức bầu cử tại các bệnh viện dã chiến mới thành lập trên địa bàn. Sơ tính, có khoảng 500-600 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến khác nhau. Ngoài ra, thách thức khác là việc tổ chức bỏ phiếu ở những điểm cách ly tập trung ở các khu công nghiệp, nơi mỗi điểm có tới hàng nghìn người. Bắc Giang đang tính đến việc tổ chức thêm các điểm bỏ phiếu tại những khu vực này. Bên cạnh đó, các lực lượng cũng tính tới phương án lập hòm phiếu phụ, bảo hộ cho thành viên các tổ bầu cử đi mang hòm phiếu vào những điểm cách ly tập trung” – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đồng thời chia sẻ các lực lượng tại Bắc Giang đang phải ngày đêm căng mình rà soát, điều chỉnh danh sách cử tri vì nhiều trường hợp, chỉ 1 ca F0 phát sinh là cả nghìn người liên quan phải cách ly, thay đổi điểm bỏ phiếu so với kế hoạch.
Từ “điểm nóng” COVID -19 khác, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan báo cáo, tỉnh này hiện đang có nhiều ổ dịch khác nhau khiến 2 trong số 8 thành phố/huyện trên địa bàn phải thực hiện cách ly xã hội, 5 địa phương khác phải giãn cách. Trên toàn địa bàn có 36 khu cách ly tập trung. “Số lượng các ca F0 vẫn tăng lên hàng ngày mà lo nhất là những điểm dịch liên quan đến các khu công nghiệp. Mỗi ngày, giữa Bắc Ninh, Bắc Giang cũng có hàng chục nghìn công nhân là người của 2 tỉnh qua lại làm việc, dòng di chuyển rất lớn, khó kiểm soát” – bà Lan trình bày.
Danh sách cử tri thay đổi, biến động lớn do tình hình dịch bệnh, theo đó, cũng là thách thức lớn với công tác chuẩn bị bầu cử tại Bắc Ninh. Thực tế, có nhiều cử tri đã bị cách ly ở xã, thậm chí ở huyện khác so với nơi cư trú, nơi lập danh sách cử tri mà vẫn phải có phương án đảm bảo quyền bầu cử của những người này. Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia có hướng dẫn cụ thể, cho phép những địa phương bị phong toả hoặc có điểm cách ly được bỏ phiếu sớm 1-2 ngày để các lực lượng tập trung lo trước việc tại các khu vực phức tạp, giúp giãn các nội dung phải tiến hành trong ngày 23/5 tới…
Tính đến 17h ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội, 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 6 đơn không liên quan đến bầu cử. Số vụ khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn gửi về Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. |
Tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này có 866 người để bầu 500 đại biểu ( tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu). Cơ cấu kết hợp như sau: nữ giới: 393 người (45,38%); Người dân tộc thiểu số: 185 người (21,36%); Người ngoài Đảng: 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%). Số người tự ứng cử là 9. |
Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu. Cơ cấu kết hợp: nữ giới: 2.528 người (40,78%); trẻ tuổi: 1.987 người (32,05%); ngoài Đảng: 774 người (12,49%); người dân tộc thiểu số: 1.156 người (18,65%). Số người tự ứng cử: 18 người (0,29%). Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Tỷ lệ 1,66 lần. Cơ cấu kết hợp: nữ giới: 15.814 người (42,21%); trẻ tuổi: 15.262 người (40,73%); ngoài Đảng: 4.909 người (13,10%); người dân tộc thiểu số: 7.204 người (19,23%). Số người tự ứng cử: 29 người (0,08%). Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần. Cơ cấu kết hợp: nữ giới: 157.680 người (38,91%); trẻ tuổi: 181.056 người (44,68%); ngoài Đảng: 102.084 người (25,19%); người dân tộc thiểu số: 87.062 người (21,48%). Số người tự ứng cử: 213 người (0,05%). |