Trường hợp nặng thứ nhất là BN3513 là nam, 58 tuổi, ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh nhập viện trưa 16/5, chưa có bệnh lý đặc biệt.
Từ 9/5, bệnh nhân xuất hiện đau họng vào điều trị tại BV dã chiến số 1 Bắc Ninh (ở huyện Gia Bình). Bệnh nhân phát hiện mắc COVID-19 hôm 11/5, vào viện sốt cao, SpO2 89%, khó thở, thở gắng sức, chẩn đoán viêm phổi nặng suy hô hấp trên nền COVID-19, thở oxy. Đến 21h bệnh nhân thở CPAP, ho nhiều, tức ngực.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn, đánh giá theo tiêu chuẩn mức độ nặng, đây là bệnh nhân nặng, các bác sĩ ở Bắc Ninh phải làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên khoa, siêu âm phổi, nhiễm trùng do virus SARS-CoV-2 tấn công không chỉ vào phổi.
Từ đầu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc - đánh giá ca bệnh chưa quá nặng, hi vọng duy trì thở không xâm nhập, cần xem lại xét nghiệm đông máu.
Trường hợp thứ 2 là BN3760 (67 tuổi), ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành.
Từ 11-13/5, bệnh nhân điều trị ở Trung tâm Y tế Thuận Thành, hôm 14/5 chuyển sang BV Đa khoa Tỉnh Bắc Ninh với triệu chứng sốt, ho, nhưng đã diễn biến nặng rất nhanh, bị viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận.
Hiện bệnh nhân đang được chỉ định thở HFNC (oxy dòng cao), SpO2 tăng lên 92% sau khi xuống thấp ngày hôm qua. Bệnh nhân vẫn khó thở, thở gắng sức, mệt nhiều.
GS.TS Nguyễn Gia Bình nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, với bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh nền, suy giáp, tiểu đường, quá cân, nguy cơ tim phổi đặc biệt huyết khối tắc mạch của bệnh nhân rất cao. Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp nhận định bệnh nhân có nguy cơ liệt cơ, suy hô hấp cao.
Phải nâng cao chỉ số hỗ trợ của HFNC (thở oxy dòng cao). Các chuyên gia nêu ý kiến với các kết quả xét nghiệm mới nhất cần đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập ngay. Nguy cơ nhiễm trùng và đông máu của nữ bệnh nhân U70 này cao.
Trường hợp thứ ba là BN2983 là nữ, 65 tuổi được Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào ngày 13/5. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm và tiểu đường type 2.
Bà nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Long Bình, được cách ly ngay, đưa tới Trung tâm Y tế An Phú và được xác định dương tính ngày 3/5. Sau đó bà được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang ngày 6/5.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang, bệnh nhân này ho nhiều, đột ngột khó thở tăng, diễn biến suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy, cần được chuyển viện.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết đội phản ứng nhanh Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn đã lên đường đi An Giang với nhiệm vụ hỗ trợ hồi sức cấp cứu và bảo đảm an toàn cho BN2983 trong quá trình chuyển viện.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM trong tình trạng suy hô hấp nhiều ngày không cải thiện.
Khi nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân đã hôn mê, dùng an thần và thở máy.
Nữ bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia 1 lần hôm 11/5. Ngày 15/5, bệnh nhân tiên lượng nặng nên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy để đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh nhân.
Xquang phổi ngày 15/5 có hình ảnh dập ống dẫn lưu mạch phổi phải, Scan ngực nhu mô phổi phải và trái gần như đông đặc hoàn toàn, chức năng hoạt động nhu phổi 2 bên chỉ còn 10 - 20%. Men gan bệnh nhân cũng có xu hướng tăng dần, bệnh nhân đã điều trị kháng sinh 2 tuần.
Hiện bệnh nhân được an thần, giảm cơ, giảm đau, còn 60 kg, mạch huyết áp ổn, không sốt. Bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 tại An Giang, lên khi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM lại dương tính và ngày 15 lại âm tính, tiếp tục xét nghiệm phết mũi họng của bệnh nhân 2 ngày/lần. Bệnh nhân tiếp tục chạy ECMO, kháng sinh.
"Nồng độ virus của bệnh nhân hiện nay đã xuống thấp, tình trạng sức khoẻ hiện nay là hậu quả của việc nhiễm SARS-CoV-2 trên nền bệnh nhân có nhiều bệnh mãn tính nhiều năm" - đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM nhận định.
Ca bệnh được đánh giá "cực kỳ nặng" không thua kém so với bệnh nhân 91 - phi công người Anh, trong đợt dịch đầu năm ngoái. Các chuyên gia tại cuộc hội chẩn cho rằng vấn đề "cơn bão cytokine" của bệnh nhân chưa rõ ràng, chức năng thận của bà vẫn bình thường, chưa suy gan, tổn thương thận.
Bệnh nhân thứ 4 là một bệnh nhân người Hàn Quốc, sinh năm 1954 là Thuyền trưởng. Ngày 13/5 bệnh nhân sốt cao, khó thở. Ngày 16/5, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở và được đưa vào bờ lấy mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân được chuyển đến BV Phổi Đà Nẵng theo dõi và điều trị tiếp. Ngày 17/5 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tạm, khó thở, thường xuyên có co kéo nhẹ cơ hô hấp.
Xem xét các chỉ số ban đầu, các chuyên gia đánh giá ca này đang có xu hướng nặng lên, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, béo phì… Các chuyên gia đề nghị BV Phổi Đà Nẵng và BV Đà Nẵng phối hợp thường xuyên hội chẩn hàng ngày, đồng thời thường xuyên thông tin về Tiểu ban điều trị để có những hỗ trợ kịp thời.
Quảng An
Tiền phong