Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra, xử lý triệt để nguyên nhân giá thép tăng, giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại được, tránh những tổn thất không đáng có.
Ngay sau khi nhận được những phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong thông báo mới phát đi của Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước, các bộ, ngành phải có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Phía xây nhà cẩn thận bị ép giá
Những ngày này, một số công ty thép trong nước tiếp tục công bố bảng giá mới với mức tăng đối với thép xây dựng khoảng 500 đồng/kg. Cụ thể, Công ty Thép Hòa Phát điều chỉnh tăng giá thép cây và thép cuộn thêm 500 đồng/kg so với giá hiện tại trên cả nước. Công ty Thép Việt Đức cũng điều chỉnh mức tăng tương tự với thép cây, thép cuộn. Tính đến hiện tại, giá thép cuộn đã tăng 1.000 đồng/kg, thép cây tăng 800 đồng/kg, tương đương tăng khoảng 5% trong tháng 5.
Ông Trung Tuấn, một thầu xây dựng ở quận 9, chia sẻ: “Cách đây hai tháng, giá thép xây dựng chỉ khoảng 15.600 - 15.700 đồng/kg, đến nay đã lên hơn 18.000 đồng/kg. Cuối năm ngoái, thi công nhà chỉ ở mức 3,5 triệu đồng/m2 thì nay phải lên đến gần 4 triệu đồng/m2”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lại cho rằng trong giá thành của 1 m2 nhà thô thì thép chỉ chiếm 30% chi phí, bê tông 40%, còn lại là các nguyên vật tư khác và nhân công. Với việc giá thép tăng 40% thì mỗi đơn vị mét vuông xây thô chỉ tăng 150.000-200.000 đồng là kịch khung, kéo đơn giá xây thô trung bình từ mức 3,2-3,5 triệu đồng/m2 lên 3,4-3,7 triệu đồng/m2 là phù hợp.
Thế nhưng, trên thực tế không hiếm nhà thầu xây dựng nhỏ lẻ lợi dụng việc tăng giá thép để đẩy đơn giá xây thô lên cao. Điều này cũng tương tự giai đoạn trước đây có thời điểm giá cát tăng nóng thì nhà thầu cũng kêu than. Thế nhưng, thực tế cát chỉ chiếm 1% trong nguyên vật liệu xây dựng công trình nhà ở mà thôi.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Phú Đông, chỉ ra: “Trong mỗi dự án xây dựng căn hộ, chi phí thép chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng giá trị đầu tư dự án. Nếu hợp đồng giữa nhà thầu với chủ đầu tư là loại hợp đồng không thay đổi giá trị thì dù giá thép có tăng lên bao nhiêu, đơn vị thầu xây dựng cũng phải chịu. Cũng có loại hợp đồng xây dựng có điều khoản quy định trong trường hợp giá nguyên vật liệu tăng 2%-3% thì bên nhà thầu sẽ chịu, còn biến động trên 5% thì bắt buộc phần tăng thêm hai bên phải chia sẻ 50-50. Biến động giá mặt hàng này chắc chắn tác động mạnh tới các nhà thầu. Nhà thầu sẽ muốn đàm phán lại với chủ đầu tư để được chia sẻ rủi ro” - ông Phúc nói.
Giá thép tăng phi mã trong thời gian ngắn lên tới trên 40% khiến nhiều nhà thầu méo mặt. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người tiêu dùng sau cùng lãnh đủ
Ông Ngô Quang Phúc cho rằng với dự án chuẩn bị được tung ra thì việc điều chỉnh giá còn dễ nhưng với các dự án rổ hàng đã bán xong từ trước, đang trong giai đoạn xây dựng thì sẽ phức tạp hơn.
Nếu may mắn cả nhà thầu và chủ đầu tư cùng ngồi lại để thỏa thuận, nếu chủ đầu tư đã bán xong rổ hàng thì chỉ còn cách duy nhất là cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với nhà thầu. Tuy nhiên, nếu dự án chuẩn bị bung hàng thì khách mua nhà sẽ là người lãnh đủ bởi chủ đầu tư buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí tăng giá của nguyên vật liệu, lạm phát, lãi vay… “Theo tôi, mức tăng cũng chỉ khoảng 2%-3% so với giá trước đó là cùng” - ông Phúc nói.
Thế nhưng, theo tổng giám đốc một công ty địa ốc đang chuẩn bị mở bán dự án mới ở Bình Dương thì giá nhà vốn đã tăng, nay giá vật liệu xây dựng tăng mạnh buộc họ phải tính toán lại giá bán căn hộ. Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, giá thép thành phẩm tại thị trường trong nước đã tăng 30%-40% và chưa thấy dấu hiệu đà tăng này sẽ chững lại. Không chỉ có giá thép tăng mà các loại vật tư xây dựng khác như cát, đá, gạch, xi măng... cũng điều chỉnh tăng theo 20%-25%.
“Do đó, không chỉ riêng doanh nghiệp chúng tôi mà tôi tin chắc rằng những doanh nghiệp sắp bung dự án mới đều phải xem xét việc điều chỉnh giá nhà. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 10%. Trường hợp giá các nguyên vật liệu giảm, chúng tôi sẽ giảm giá nhà bằng cách tăng chiết khấu cho khách hàng, khuyến mãi nội thất, lãi suất vay mua nhà ưu đãi...” - vị này chia sẻ.
Giá nhà chỉ nên tăng 1%-2% Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - ông Nguyễn Văn Đực nhận định mức giá căn hộ mở bán mới hiện nay trên thị trường được chào bán phổ biến ở mức 40 triệu đồng/m2. Với việc giá thép tăng 40% thì chi phí xây dựng căn hộ tăng thêm khoảng 400.000 đồng/m2, tương đương tăng 1% so với giá bán. Do đó, nếu muốn bảo toàn lợi nhuận, chủ đầu tư đang chuẩn bị giới thiệu dự án mới có thể điều chỉnh tăng thêm 1%-2% so với dự kiến ban đầu là phù hợp. Nếu tăng cao hơn thì không khác nào ép người tiêu dùng, vốn là bên yếu thế. |