Quỹ hưu trí tự nguyện - Lựa chọn mới của người lao động?
Hết năm 2020, chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi mức chi trả lương hưu bình quân của bảo hiểm xã hội năm 2020 chỉ khoảng 4,9 triệu đồng.
Hàng tháng, nhiều người vẫn đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội để sẵn sàng có một khoản thu nhập nhất định sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Dragon Capital cho thấy, lượng chi trả này mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu, tức là người lao động khó duy trì được mức sống như thời kỳ trước nghỉ hưu.
Để bù đắp phần này, trên thị trường có sản phẩm tài chính mang tên quỹ hưu trí tự nguyện, đây không phải là một quỹ của Nhà nước mà được phát hành bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ, với mục tiêu nâng tỷ lệ thu nhập từ 45% lên 75% sau khi người lao động nghỉ hưu.
Giống với bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí tự nguyện cũng có những điều kiện rút khác nhau. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Nhu cầu này ngày càng lớn hơn khi dự báo đến năm 2025, dân số Việt Nam sẽ tăng từ hơn 97 triệu người hiện nay lên khoảng 106,3 triệu người. Ở thời điểm đó, dân số cũng đã già hóa hơn khi tỷ trọng lớn ở lứa tuổi trên 40.
Nhận thấy sự cần thiết của các chế độ an sinh khi về già, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt từ năm 2018 đến nay.
Mở cửa hàng kinh doanh, có nguồn thu tốt, ổn định nhưng để yên tâm, chị Nga (huyện Thanh Miện, Hải Dương) vẫn quyết định tham gia bảo hiểm xã hộ tự nguyện.
Với việc tham gia thêm sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện, tùy theo thỏa thuận, có thể người lao động đóng 1 triệu đồng, doanh nghiệp đóng thêm 1 triệu đồng. Sau một thời gian nhất định, tất cả khoản đóng này được chuyển dần sang cho người lao động. Cả 2 cùng được hưởng lợi vì sẽ được khấu trừ hàng tháng thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Hiện đã có quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân với doanh nghiệp sử dụng và người lao động tham gia vào quỹ hưu trí", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết.
Vì đây là sản phẩm đầu tư, dù không cam kết lợi nhuận nhưng mức lợi nhuận trung bình được các quỹ đưa ra là từ 5,8% đến hơn 8,4% thông qua việc đầu tư sinh lời.
"Họ đầu tư vào danh mục trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư hay cổ phiếu để tạo ra tỷ suất sinh lời tốt hơn so với gửi tiết kiệm", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, cho hay.
Tùy thuộc vào lứa tuổi dưới 35, từ 35 - 50 hay trên 50 và mức độ ưa thích rủi ro khác nhau mà người lao động sẽ tham gia loại quỹ tương ứng. Điều quan trọng là bất cứ lúc nào cũng có thể theo dõi được khoản đầu tư của mình một cách liên tục. Giống với bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí tự nguyện cũng có những điều kiện rút khác nhau.
Thực tế, để đảm bảo thu nhập sau khi nghỉ hưu, có người chọn mua bất động sản và xây nhà cho thuê, có người có kiến thức về tài chính có thể mua cổ phiếu hay các kim loại quý, rất có thể sẽ có tỷ suất sinh lời cao, nhưng cũng đồng nghĩa có những rủi ro lớn hơn. Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn còn có những đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí còn phải thuyết phục doanh nghiệp và người lao động.
"Họ sẽ đối mặt với sự ngờ vực của người dùng, họ sẽ mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân hiểu về lợi ích của quỹ. Thậm chí, họ còn cần chờ thêm để mức thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt lên một mốc cao mới và sự hiểu biết về tài chính của người Việt Nam được nâng lên", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, nhận định.
Hết năm 2020, chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Đặc thù của quỹ hưu trí tự nguyện là rủi ro thấp, thậm chí là cực thấp. Vì vậy chúng ta phải biết được khẩu vị rủi ro là gì để điều chỉnh kênh đầu tư và kỳ vọng đầu tư một cách hợp lý. Rủi ro thấp thì lợi tức đem lại cũng thấp, không thể quá 10%/năm", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam, nói.
Ở Việt Nam, Bộ Tài chính mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với 2 doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí. Thế nhưng, ở các nước phát triển như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Singapore, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện đã rất phổ biến và thu hút hàng triệu người lao động tham gia nhằm đảm bảo quyền lợi cho tương lai khi nghỉ hưu.
Mô hình quỹ hưu trí tự nguyện tại một số nước
Tại Mỹ, khoảng 100 triệu người lao động tham gia chương trình 401(k) - hệ thống hưu trí tự nguyện phổ biến nhất nước này. Trong đó, tiền lương của họ sẽ trích một phần đều đặn để đưa vào tài khoản nhằm tích lũy và đầu tư. Người lao động cũng hoàn toàn không phải chịu thuế thu nhập với tiền bỏ vào tài khoản 401(k) cho tới khi họ rút ra khi nghỉ hưu. Mỹ hiện cũng có số lượng quỹ hưu trí tự nguyện trong khối tư nhân đứng đầu thế giới hiện nay.
Ngay tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã chính thức thành lập quỹ hưu trí tự nguyện quốc gia vào năm 2015, với phạm vi cho mọi công dân từ 15 - 60 tuổi, đóng góp theo hình thức tự nguyện, tối thiểu là 50 Baht/tháng (tương đương 36.000 đồng). Chính phủ cũng hỗ trợ mức đóng cho các nhóm tuổi từ 600 - 100 Baht/năm. Nhờ biện pháp khuyến khích này, số lượng thành viên tham gia quỹ đã nhảy vọt 500%, lên mức 2,3 triệu người vào năm 2019.
Ngoài việc đảm bảo thu nhập sau khi về hưu, quỹ hưu trí tự nguyện còn được xem là công cụ để doanh nghiệp giữ chân lao động, đặc biệt là những lao động có trình độ cao. Thay vì phát hành cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng hay tiền mặt, cùng đóng góp một quỹ hưu trí tự nguyện đã và đang được các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI sử dụng.
VTV.vn - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.89933830091501202-uuh-ihgn-uas-iam-iaoht-pahn-uht-oc-ed-oan-eht-mal/et-hnik/nv.vtv