Như đã đưa tin, ngày 13/5, một thành viên trên diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu của hacker đã đăng tải hàng nghìn chứng minh thư nhân dân cũ và khẳng định đang sở hữu lượng lớn dữ liệu KYC (Know Your Customer) - dữ liệu để xác minh thông tin người dùng.
Tệp dữ liệu thành viên này chia sẻ với 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp chứng minh nhân dân cũ, căn cước công dân cả mặt trước, mặt sau của hàng nghìn người được cho là công dân Việt Nam. Các dữ liệu này được rao bán với giá 9.000 USD (207 triệu đồng) và thanh toán bằng tiền mã hóa Bitcoin hoặc Litecoin.
Hiện Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin nói trên.
Từ thông tin sự việc trên, nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng về các dữ liệu cá nhân của mình đang được các tổ chức nhà nước, các đơn vị dịch vụ như ngân hàng, viễn thông... lưu giữ, liệu có bị lộ, bị rao bán ra bên ngoài và chế tài xử phạt hành vi này như thế nào?
Lộ thông tin - nguồn cơn của vô số phiền toái
Liên quan đến nội dung này, sáng nay (18/5), trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Hiện nay, việc tiết lộ, trao đổi, mua bán thông tin cá nhân trên mạng internet đang diễn ra hết sức công khai và rầm rộ. Việc bị tiết lộ thông tin này là nguồn cơn của vô số phiền toái cho người bị tiết lộ, khi liên tiếp bị đội quân bán hàng qua điện thoại khủng bố mỗi ngày. Thậm chí, cũng không ít trường hợp việc bị tiết lộ chứng minh thư nhân dân, thông tin về số điện thoại, địa chỉ của người khác cũng có thể khiến người đó bị những đối tượng lừa đảo sử dụng những thông tin này vào mục đích xấu, thu lợi bất chính như vay tín chấp tại các tổ chức tài chính, bỗng nhiên họ phải gánh một khoản vay từ trên trời rơi xuống và bị đòi nợ, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của họ.
Luật sư Trần Tuấn Anh phân tích tiếp, những thông tin nêu trên là những thông tin riêng của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Theo đó, một cá nhân có quyền bất khả xâm phạm những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Đây là một quyền quan trọng của con người được pháp luật ghi nhận trong Hiến pháp và rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan nhằm bảo vệ đời sống riêng tư cũng như tự do của một cá nhân.
Cụ thể, những văn bản pháp luật quy định về quyền này như sau:
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ" hay "Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật".
Khoản 5 Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:
"5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân".
"Như vậy, có thể nói chỉ cần xâm phạm trái phép thông tin người khác mà chưa được họ cho phép, chưa cần phải tiết lộ, trao đổi, mua bán thông tin của người khác thì đã là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, không chỉ người rao bán thông tin cá nhân mà người mua trong trường hợp này cũng sẽ có thể phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi vi phạm này", luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.
Về chế tài xử phạt, theo luật sư Trần Tuấn Anh, người có hành vi vi phạm này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, những chế tài xử phạt đối với hành vi này được quy định cụ thể như sau:
Điểm m, điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông quy định như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm bí mật, thông tin riêng tư của người khác mà còn vi phạm thì người đó có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác được quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tù tối đa 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Các đối tượng rao bán thông tin bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp các đối tượng rao bán những thông tin này nhằm mục đích thu lợi bất chính có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nguyễn Dương