Kẹt xe kéo dài trên đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ước tính, khoản thu phí hạ tầng cảng biển mỗi năm sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng để đầu tư, mở rộng các tuyến đường vào cảng.
Thu phí không tiền mặt từ 0h ngày 1-7
Ngay khi HĐND TP.HCM có nghị quyết và UBND TP có kế hoạch triển khai về thu phí hạ tầng cảng biển, Sở Giao thông vận tải TP cho biết đã tham mưu cho TP ban hành quyết định thành lập tổ công tác triển khai thực hiện.
Cảng vụ đường thủy nội địa TP được giao xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ hệ thống thu phí. Dự kiến, sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí vào đầu tháng 6-2021, từ 0h ngày 1-7 sẽ vận hành thu phí chính thức trên tất cả các cửa khẩu cảng biển thuộc khu vực TP.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP - cho biết về cách thu, toàn bộ quá trình không dùng tiền mặt, thanh toán qua hệ thống điện tử 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử.
"Chúng ta học hỏi kinh nghiệm thu từ TP Hải Phòng là thu phí bán tự động, ứng dụng tại TP thực hiện thu phí tự động 100% nhằm nâng cao hiệu quả quản lý" - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, từ tháng 7-2021, triển khai thu phí ở toàn hệ thống gồm 26 cảng biển trên địa bàn TP như cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước...
Theo ông Tuấn, trước khi chính thức thu phí, đơn vị tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân... nắm rõ. Không chỉ vậy, cảng vụ có in cẩm nang phổ biến, hướng dẫn thực hiện, mục đích thu phí, hiệu quả thu phí...
Ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết nguồn thu phí cảng biển này sẽ được đề xuất sử dụng vào việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng các tuyến đường ra vào các cảng biển. Điều này góp phần giải quyết ùn tắc ở các khu vực này, không để xảy ra tình trạng quá tải các tuyến ra vào cảng biển gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống cảng biển.
Ngoài ra, theo ông Bằng, việc đầu tư hạ tầng xung quanh cảng biển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của các cảng, tăng sản lượng, đáp ứng cho tiềm năng trong tương lai những năm tới. Hiện nay, hệ thống cảng biển ở TP xếp thứ nhất cả nước về quy mô, năng lực vận tải và mang tiềm năng rất lớn.
Ưu tiên mở đường vào cảng
Cảng biển TP.HCM là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1 - có vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hóa khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP.HCM đã 170 triệu tấn/năm, trong khi theo quy hoạch chỉ 116 triệu tấn/năm.
Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa tăng lên 236,9 triệu tấn. Tại cảng Cát Lái đã áp dụng công nghệ giúp cho việc lưu thông hàng hóa rất tốt, khả năng khai thác 6,4 triệu teu/năm, thế nhưng hiện nay chỉ khai thác được 5,6 triệu TEU/năm, tương đương với 81 chuyến tàu/tuần.
Nguyên nhân, Sở Giao thông vận tải TP cho hay hiện các tuyến đường chính ra vào cảng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đã kéo giảm tốc độ, hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa.
Điều này dẫn đến vòng xe ra vào cảng khá thấp, đối với xe tải 2 chuyến/ngày và xe container 1,5 chuyến/ngày - con số quay vòng khá thấp so với kỳ vọng mà doanh nghiệp đã bỏ ra chi phí đầu tư xe chở hàng hóa. Dự báo thời gian tới sẽ rất căng thẳng bởi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một tăng.
Theo Sở Giao thông vận tải, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, các dự án PPP chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư thì việc có thêm nguồn vốn đầu tư đường vào cảng là vô cùng quan trọng. Dự kiến khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm sẽ đóng góp thêm cho TP khoảng 3.000 tỉ đồng và số tiền này sẽ đầu tư trực tiếp vào hạ tầng cảng biển.
Đề xuất đầu tư 6 dự án quan trọng
Ngay giữa tháng 4-2021, Sở Giao thông vận tải TP đề xuất UBND TP xem xét ưu tiên nguồn lực để đầu tư 6 dự án quan trọng góp phần giảm ùn tắc, thông đường vào cảng với tổng mức đầu tư 27.000 tỉ đồng.
Trong nhóm 6 dự án này có 1 dự án nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) đang triển khai, 2 dự án đã được TP cho phép, lập trình đề xuất chủ trương đầu tư dự án thuộc đường vành đai 2 và 3 dự án đề xuất mới.
Đầu tiên là 2 dự án khép kín đường vành đai 2 quy mô 6 làn xe gồm: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (9.047 tỉ đồng) và đoạn 2 từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (5.569 tỉ đồng).
Khi hoàn thành, 2 dự án này cùng với dự án đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Gò Dưa) đang triển khai xây dựng sẽ dần khép kín đường vành đai 2, góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng phía đông, đông bắc như cảng Phú Hữu, Cát Lái... Đồng thời giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải như: Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ...
Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị TP xem xét ưu tiên cân đối nguồn vốn đối với các dự án nêu trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Trường hợp khả năng cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn trên khó khăn, sở đề xuất TP rà soát, ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được quyết định đầu tư, chưa mang tính cấp bách để xem xét ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai 6 dự án cấp thiết nêu trên.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở TP.HCM
Vào tháng 12-2020, HĐND TP đã có nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Nhân rộng nhóm phản ứng nhanh để chống ùn tắc
Sở Giao thông vận tải TP cho biết sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các đơn vị cảng... bố trí lực lượng điều tiết ở các vị trí, giao lộ trọng yếu tại khu vực cảng, đặc biệt tại cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước.
Trên cơ sở hiệu quả của tổ công tác liên ngành đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cảng Cát Lái, sở nhân rộng các nhóm phản ứng nhanh, giải quyết kịp thời các sự cố về hạ tầng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ùn tắc giao thông tại khu vực cảng biển.
3 dự án đề xuất mới
Theo Sở Giao thông vận tải TP, các dự án được đề xuất mới gồm:
* Xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) mở rộng đường lên 67m theo quy hoạch được duyệt với tổng mức đầu tư 1.219 tỉ đồng.
* Dự án mở rộng, hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - vành đai 2 (TP Thủ Đức) dài 2,2km với tổng mức đầu tư 1.018 tỉ đồng.
* Đầu tư hoàn chỉnh trục đường bắc - nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) với tổng mức đầu tư 7.013 tỉ đồng. Dự án dài 6,7km này có quy mô nâng cấp thêm 2 làn xe nhằm phù hợp theo quy hoạch đường rộng 60m cho 6 làn xe.
TTO - Sở Giao thông vận tải vừa kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, bố trí nguồn vốn để đầu tư mới, hoàn thiện các dự án giao thông cấp bách, kết nối cảng biển ở TP.
Xem thêm: mth.60874702281501202-oan-eht-7-1-ut-neib-gnac-ihp-uht-mchpt/nv.ertiout