Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty tài chính FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC), giúp ngân hàng mẹ thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này.
Thương vụ đắt kỷ lục
Trong 7 năm qua, xu hướng ngân hàng thoái vốn tại các công ty tài chính trực thuộc diễn ra khá sôi động, tuy nhiên thương vụ chuyển nhượng cổ phần của FE Credit được xem là đắt nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, đầu năm 2018, Shinhan Card - công ty con của tập đoàn Hàn Quốc Shinhan Financial Group thâu tóm 100% cổ phần của Công ty tài chính Prudential Việt Nam với giá 150,8 triệu USD.
Trước đó một năm, vào năm 2017, ngân hàng Techcombank cũng bán 100% vốn của Công ty tài chính TechcomFinance cho Lotte Card thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Mức giá chuyển nhượng của thương vụ này đạt 75,6 triệu USD tương đương hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của TechcomFinance (khoảng 600 tỷ đồng).
Năm 2016, Ngân hàng MB Bank bán 49% cổ phần của ngân hàng này tại công ty tài chính Mcredit cho ngân hàng Shinsei Bank của Nhật Bản. Giá trị của thương vụ này đạt 37,3 triệu USD, tương đương 865 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2014 ngân hàng HD Bank cũng đã thoái 49% vốn điều lệ của Công ty tài chính HDFinance cho Tập đoàn tài chính Credit Saison của Nhật Bản với giá trị chỉ có 39,1 triệu USD, tương đương 833,2 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, HDFinance được đổi tên thành Công ty Tài chính HD SAISON.
Phân tích về định giá FE Credit qua thương vụ với SMBC, FiinGroup – công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích thị trường nhận định: So sánh bốn thương vụ chuyển nhượng cổ phần của các công ty tài chính Việt Nam cho đối tác ngoại 7 năm qua, FE Credit đã được định giá cao hơn 39,7% so với mức bình quân của các giao dịch tương đồng đã diễn ra.
NHNN nhận thấy tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với cuối năm trước.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định: việc bán cổ phần tại FE Credit không phải từ bỏ "gà đẻ trứng vàng", mà vẫn nắm giữ 50% vốn. Do đó, lợi nhuận của công ty này vẫn được hạch toán vào báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng.
Bên cạnh đó, thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF – công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của ngân hàng để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhìn nhận giá trị của thương vụ lên tới gần 1,4 tỉ USD cho 49% cổ phần tại Fe Credit mà VPBank vừa đàm phán thành công là "quá hời".
Nói về thắc mắc vì sao Vpbank lại chấp nhận chia bớt lợi nhuận từ “con gà đẻ trứng vàng” – FE Credit, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: FE Credit hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng – một lĩnh vực có tỉ lệ nợ xấu thường ở mức cao.
Và nếu công ty tài chính – công ty con của ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu ở mức cao sẽ làm giảm lợi nhuận hợp nhất cũng như làm giảm giá trị tài sản của công ty mẹ. Do đó, với thương vụ này của Vpbank có thể nói là hành động “một đập mà được 2-3 mạng”.
"Chỉ với việc chuyển nhượng thành công 49% vốn điều lệ của FE Credit với mức giá cao ngất ngưởng, không chỉ thoát khỏi bẫy rủi ro về nợ xấu (do lo ngại dịch bệnh khiến nhiều người dân mất công ăn việc làm) mà còn đem về lợi nhuận bổ sung nguồn vốn cho Vpbank, hưởng lợi nguồn vốn giá rẻ, công nghệ, quản trị rủi ro... của nước ngoài”, ông Hiếu bình luận.
Ngoài ra, TS Hiếu cũng cho biết thêm: Trước dịch bệnh thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định là có tiềm năng rất lớn. Bản thân ông cũng đã được một số nhà đầu tư tổ chức của nước Anh nhờ khảo sát về tài chính tiêu dùng cá nhân trong nước.
Thế nhưng khi dịch bệnh ập đến động đến khiến thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro thì hầu như các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài kém mặn mà hơn với thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Du, Quyền chánh Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN Việt Nam đã ký văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng nhằm cảnh báo một số vấn đề trong hoạt động của các ngân hàng. Trong đó NHNN cho biết: Qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2020, NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với cuối năm trước… |