Giờ học văn hóa tại Học viện Âm nhạc Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP
Dự thảo này quy định rõ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, khối lượng kiến thức của môn học mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... sẽ phải đảm bảo cho người học của họ.
Theo dự thảo của Bộ Giáo dục - đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sẽ phải đảm bảo yêu cầu về môn học như sau:
Các môn học bắt buộc là toán và ngữ văn. Các môn học lựa chọn: vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí.
Mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học: 2 môn học bắt buộc và ít nhất 2 môn học lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo đã được quy định.
Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môđun, mỗi lớp học có không quá 45 học sinh.
Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy các môn học bảo đảm nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng học tập; tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá; tổ chức thi kết thúc môn học; xác nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh.
Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.
Những năm qua, chất lượng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở nghề nghiệp bị đặt dấu hỏi.
Cá biệt, có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chịu cập nhật những thay đổi về luật pháp, quy định, vẫn tự đào tạo theo cách cũ, dẫn tới người học ra trường không có bằng trung học cơ sở, không có bằng trung học phổ thông, dẫn tới không lấy được bằng trung cấp, cao đẳng nghề.
Vụ việc người học ra trường trắng tay bằng cấp xảy ra tại Học viện Múa Việt Nam thời gian qua là điển hình.
Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đều mong sớm có quy định về giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Vì đây là căn cứ để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch giảng dạy chương trình phổ thông song song với dạy nghề cho người học của họ.
TTO - Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.