“Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trong đó có trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, nhất là trong đào tạo nghề bởi con người với tri thức, trí tuệ, kỹ năng, tay nghề là yếu tố quyết định trong nâng cao năng suất…”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như trên trong buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, diễn ra sáng 19-5.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành, như tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Việc xuất khẩu lao động còn nhiều yếu kém liên quan đến việc đào tạo tay nghề, kiến thức, luật pháp cho người lao động, lĩnh vực này cũng còn nhiều tiêu cực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Cạnh đó, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả. Bạo lực giới, bạo lực và xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: VGP
Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (gói 62.000 tỉ đồng) còn nhiều bất cập. “Ngân sách đã có, phải tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được…”- Thủ tướng yêu cầu.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
“Đây là nhiệm vụ lớn, phải thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện bằng được tư tưởng rất quan trọng được đúc kết từ thực tiễn này…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cạnh đó, ngành cần suy nghĩ kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
“Suy nghĩ không chín, tư tưởng không thông, quyết tâm không cao thì việc gì cũng khó, nỗ lực không lớn thì không thể vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh mới. Tương tự, không hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện không có trọng tâm, trọng điểm thì không ra sản phẩm, không đạt được mục đích trong bối cảnh yêu cầu công việc cao, nhu cầu lớn nhưng nguồn lực, thời gian có hạn”- Thủ tướng phân tích thêm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần tấn công trong công việc, chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”.
Cuối cùng, Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện nghèo trên cả nước, tinh thần là “càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, cần xây dựng đề án với mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn, tiêu chí, cách làm rõ ràng, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tuy tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,77% nhưng năng suất lao động của Việt Nam bình quân đạt mức 110,4 triệu đồng/lao động; thuộc nhóm thấp của Châu Á, tương đương bằng 1/11,3 lần Singapore, 1/2,7 Thái Lan, 1/5,4 Malaysia và 1/4 của Philippines.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khoảng 7%, gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học còn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hoặc phải làm những công việc không phù hợp với trình độ đào tạo…