Nhận diện các dòng tiền
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, mua vàng… đang được xem là các kênh đầu tư an toàn hiện nay. Bất động sản, chứng khoán, đặc biệt chứng khoán phái sinh, tiền mã hóa thuộc kênh đầu tư mạo hiểm. Hiện dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản và chứng khoán. Điểm đáng chú ý với kênh thị trường chứng khoán (TTCK) là các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức có xu hướng bán ra liên tục từ năm 2020 đến nay, trong khi các NĐT nhỏ lẻ, cá nhân lại ồ ạt đổ tiền vào…
Theo các chuyên gia, giá vàng khó có khả năng tăng cao |
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty KIS Việt Nam, cho hay, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế (khoảng 1,85 triệu tỷ đồng). Song thống kê này chủ yếu dựa vào dòng tiền đổ vào bất động sản thông qua ngân hàng, không thể đo đếm được những giao dịch bằng tiền mặt. TTCK cũng chứng kiến sự bùng nổ. Lượng tài khoản (TK) mở mới đang ở giai đoạn cao nhất lịch sử giao dịch của thị trường này. Cụ thể, tháng 1/2021 có 86.107 TK mới, tháng 3/2021 là 113.875 TK, tháng 4/2021 là 111.413 TK. Tổng số TK giao dịch chứng khoán tính đến tháng 4/2021 đạt hơn 3,1 triệu. Giá trị giao dịch hằng ngày lên đến 17.000-20.000 tỷ đồng. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thường xuyên bị tắc nghẽn vì lượng tiền giao dịch quá lớn.
Nhận xét về các kênh đầu tư, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lưu ý rằng, ngay cả các kênh được xem là an toàn thực ra cũng không có sự ổn định. Lãi suất tiết kiệm giảm (tiền gửi dưới 1 tỷ đồng thì lãi suất cao nhất là 6,8%/năm); giá vàng biến động thất thường, khó có khả năng tăng mạnh như năm 2020, thậm chí còn giảm giá nếu dịch COVID-19 được kiểm soát. Kênh ngoại tệ thì chỉ mang tính chất mua để dành hơn là kinh doanh. Dù vậy, đó vẫn là những kênh đầu tư ưu tiên. NĐT cần tránh xa các kênh đầu tư bất hợp pháp như tiền ảo và forex, vốn cũng đang hút mạnh dòng tiền.
Chọn các kênh đầu tư hợp pháp
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, hiện tượng những sàn giao dịch ngoại hối còn mới toanh nhưng lượng người tham gia đầu tư đã rất đông là đáng lo ngại. Đơn cử với tiền ảo Bitcoin, giá từ mức 5.000-6.000 USD/Bitcoin hồi tháng 4/2019 tăng lên 60.000 USD/Bitcoin vào tháng 3/2021. Nhiều người càng thấy giá tăng nhanh càng mạnh tay đổ tiền vào. Hiện luật pháp chỉ cấm dùng tiền ảo như phương tiện thanh toán, không cấm việc trao đổi mua bán, thừa kế… nên đây vẫn là loại tài sản hấp dẫn nhiều người. Đây là những kênh đầu tư rủi ro nhất do giá biến động rất mạnh (đối với Bitcoin), dễ xảy ra lừa đảo (đối với forex), NĐT không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra tranh chấp.
Nhiều chuyên gia khuyên rằng, dù các NĐT có ưa thích mạo hiểm đến đâu cũng nên chọn những kênh đầu tư hợp pháp, đầu tư dựa trên những kỹ năng căn bản để giảm rủi ro.
Ở lĩnh vực bất động sản, chuyên gia tài chính đầu tư Đinh Thế Hiển khuyên, năm 2021 là năm cơ hội cho các NĐT bất động sản “xuống tiền” do lãi suất ngân hàng đang xuống thấp, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một số NĐT gặp khó khăn về tài chính phải bán tháo bất động sản với giá thấp. NĐT lưu ý, phải chọn bất động sản ở nơi có hạ tầng tốt, giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ, giấy tờ pháp lý đầy đủ, công khai, dự án thuộc các doanh nghiệp có tên tuổi. Song, cũng như chứng khoán, việc đầu tư bất động sản cũng đòi hỏi NĐT phải có kinh nghiệm, tìm hiểu, quan sát, dòng tiền tốt và tuyệt đối không nên vay ngân hàng quá 50% số tiền để đầu tư.
“Phân khúc căn hộ ổn định hơn do nguồn cung hạn chế so với nhu cầu đầu tư cho thuê. Nhà phố thì gặp áp lực do tình hình cho thuê, kinh doanh chưa phục hồi do dịch bệnh đang phức tạp, khả năng tăng giá thấp hơn so với đất nền. Việc chọn đất nền để đầu tư phải chọn những nơi có đô thị mới, được triển khai khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông lớn”, ông Đinh Thế Hiển phân tích thêm.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh NĐT phải hết sức cảnh giác với các kênh đầu tư có tính chất lừa đảo, thường có đặc điểm chung là hứa hẹn lãi cao từ 20-30%/tháng hoặc 3-4%/ngày, mua hàng xong được hoàn tiền tới 80% giá trị… Không bao giờ có ngành nghề nào mang lại lợi nhuận quá nhiều, quá dễ như vậy.
Nên giảm đầu tư vào vàng Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá vàng SJC trong nước có xu hướng tăng rất nhẹ, chỉ 0,89% (dao động khoảng 55,9-56,4 triệu đồng/lượng). Nếu so với năm 2020, giá vàng SJC tăng lên đến 29% (từ 43,3 triệu đồng/lượng tăng lên 55,9 triệu đồng/lượng). Tại sao trong năm 2020 vàng lại tăng giá mạnh hơn năm 2021? Nguyên nhân là do trong năm 2020 có cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, liên quan đến gói kích cầu của Mỹ, sự bùng nổ của dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động khiến giá vàng trong nước và thế giới tăng. Còn năm 2021, giá vàng không tăng là do Chính quyền Mỹ đã định hình, cuộc chiến chống COVID-19 được dự báo đang tới hồi kết ở nước Mỹ. Mặc dù mấy ngày qua giá vàng có tăng do ảnh hưởng của gói kích cầu của Mỹ (4.000 tỷ USD), chiến sự ở khu vực Trung Đông nhưng vẫn tăng không bằng tháng 8/2020. Các yếu tố tác động bất ngờ từ chính sách, gói kích cầu Mỹ, cuộc chiến chống COVID-19 không còn tác động mạnh lên giá vàng. Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index của TTCK khoảng 1.100-1.300 điểm, tăng 14,4%. Trước đó, trong năm 2020, chỉ số này cũng tăng 14-15%. So sánh giữa kênh vàng và kênh chứng khoán năm tháng đầu năm 2021 thì sự hấp dẫn của vàng kém xa so với chứng khoán. “Do giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch 5-6 triệu đồng/lượng, việc mua vàng trang sức để sử dụng phù hợp hơn nếu chọn mua vàng để dự trữ, đầu tư kiếm lời. Những người đang giữ vàng hiện nay sẽ không có lợi, nên bán chốt lời hoặc cắt lỗ, chuyển bớt từ 1/3 đến một nửa số vốn nằm trong vàng sang các kênh đầu tư khác, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn”, ông Trần Thanh Hải khuyên. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5364341a-uad-oav-ut-uad-nen-yan-cul-neit-oc/nv.moc.enilnounuhp.www