Làm ăn khó khăn, thậm chí mất khả năng thanh toán và đứng bên bờ vực phá sản nhưng hàng nghìn hợp tác xã trên địa bàn cả nước đang gặp hàng loạt vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục xin giải thể, đặc biệt trong các quy định về xử lý tài sản đảm bảo.
Hàng nghìn hợp tác xã chờ giải thể
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.Hà Nội mới đây vừa có báo cáo gửi lên UBND TP.Hà Nội, trong đó thông báo nhiều nội dung đáng chú ý về hiệu quả hoạt động của mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn. Con số gây nhiều chú ý là trên toàn TP.Hà Nội hiện có hơn 1.230 HTX nông nghiệp nhưng trong số này có đến 145 HTX ngừng hoạt động, đang chờ giải thể (chiếm đến 11,8%). Phần lớn trong số các HTX ngừng hoạt động và chờ giải thể lại được thành lập sau khi Luật HTX năm 2021 có hiệu lực. Sở NNPTNT Hà Nội qua đó đề xuất UBND Thành phố có hướng dẫn việc giải thể HTX ngừng hoạt động, trong đó tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, thị xã khi thực hiện giải thể HTX. Đồng thời đề xuất giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu chính sách đặc thù của thành phố về xử lý xóa nợ để có căn cứ pháp lý xử lý dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu hồi. Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - các đề xuất trên được giao cho Sở KHĐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát để thành phố có chỉ đạo theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Thực tế theo số liệu mới nhất từ Liên minh HTX Việt Nam (VCA), chỉ riêng trong giai đoạn 2015-2019, cả nước giải thể tới 4.856 HTX hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động (tăng 39% so với giai đoạn 2010-2015). Cả nước vẫn còn hơn 1.000 HTX ngừng hoạt động nhiều năm chưa giải thể được do gặp những khó khăn, lúng túng trong thực hiện thủ tục phá sản. VCA cho hay, nguyên nhân chủ yếu do quy định của Luật Phá sản năm 2014 có điểm chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. VCA chỉ rõ, Luật Phá sản chưa quy định cụ thể tiêu chí doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản và chế tài xử phạt nghiêm đối với chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không nộp đơn kịp thời hoặc nộp đơn không đúng; dẫn đến tính trạng khi HTX rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, các chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn phá sản, nhưng hầu như không thực hiện nghĩa vụ, còn các chủ thể có quyền nộp đơn có thể chưa hiểu biết nhiều về việc mình được bảo vệ thông qua thủ tục phá sản hoặc do tâm lý ngại kiện tụng, không tin tưởng vào phương pháp đòi nợ này nên ít thực hiện quyền nộp đơn.
Một điểm nữa, Luật Phá sản cũng không yêu cầu doanh nghiệp, HTX nộp báo cáo tài chính bắt buộc phải kiểm toán hay không? Nếu không quy định cụ thể việc kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, HTX sẽ ảnh hưởng đến tính trung thực của doanh nghiệp, HTX, của tòa án. Trên thực tế, chỉ có HTX, Liên hiệp HTX quy mô lớn mới thực hiện kiểm toán HTX 2 năm/lần. VCA cho rằng, vấn đề này cũng là cơ sở cần bổ sung, chỉnh lại Luật Phá sản và Luật HTX, theo đó các HTX cần được kiểm toán định kỳ.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba; thực tế các HTX không có tài sản bảo đảm khi vay vốn ngân hàng; để có tài sản bảo đảm thường mượn tài sản của bên thứ ba (lãnh đạo, thành viên HTX)… do đó, khi thực hiện các thủ tục phá sản gặp khó khăn, vướng mắc về quyền lợi các chủ nợ có bảo đảm tài sản của bên thứ ba.
Sẽ bắt buộc kiểm toán HTX
Với hàng loạt các vướng mắc phát sinh nói trên, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất sớm sửa đổi một số nội dung trong Luật Phá sản năm 2014. Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 4 theo hướng xác định doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản; doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định chế tài xử phạt; quy định nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp, HTX trong 3 năm gần nhất phải được kiểm toán; quy định việc xử lý tài sản bảo đảm.
Bên cạnh những vướng mắc trong quá trình giải thể, phá sản, hàng loạt khó khăn khác phát sinh sau gần 10 năm triển khai Luật HTX 2012 cũng là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xúc tiến việc sửa đổi, bổ sung luật này nhằm tăng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã trong thời gian tới. Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KHĐT) Phùng Quốc Chí cho biết, sau gần 10 năm triển khai, đã có một số vấn đề nảy sinh cần phải được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển của hợp tác xã trong bối cảnh mới.
Bộ KHĐT theo đó đang triển khai xây dựng dự thảo khung Luật HTX sửa đổi, bổ sung với định hướng sửa đổi, bổ sung chính đó là mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh bao gồm tổ hợp tác, hội quán, liên đoàn HTX được gọi chung là tổ chức kinh tế hợp tác. Đưa nội dung chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước quy định thành một chương riêng, quy định thống nhất các nội dung hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực kinh tế hợp tác; tập trung nâng cao về chất lượng, giúp phát triển, gắn kết thành viên hợp tác xã; khuyến khích phát triển tổ hợp tác trở thành hợp tác xã. Đồng thời định hướng sửa đổi các quy định phát triển mở rộng thành viên hợp tác xã làm trọng tâm như phân loại thành viên, cân bằng lợi ích giữa các nhóm thành viên, khuyến khích thu hút thành viên tham gia, góp vốn.
Đáng chú ý theo Cục trưởng Cục Phát triển HTX Phùng Quốc Chí, từ thực tế triển khai, dự thảo khung Luật HTX sửa đổi, bổ sung sẽ quy định kiểm toán HTX là bắt buộc để tăng tính minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính của hợp tác xã cho các thành viên và các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan. Đồng thời sẽ có các quy định cụ thể để giải quyết các vướng mắc về luật trong giải thể, chuyển đổi, tài sản không chia cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước.
Xem thêm: odl.960119-nas-ahp-eht-iaig-nix-tart-yart-ax-cat-poh-nihgn-gnah/et-hnik/nv.gnodoal