Ngày 20-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ tổ chức cho người khác trốn sang Hàn Quốc bằng việc “bay chui” trên chuyên cơ chở chủ tịch Quốc hội, từng gây xôn xao dư luận hồi năm 2018.
Tám bị cáo bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, gồm Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty CP GVA), Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuấn Hiếu (cùng trú tại Nghệ An),Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo - Bộ KH&ĐT), Lê Thị Xuân (đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC), Nguyễn Thị Lương (trú tại Nghệ An), Lương Mạnh Hùng (giám đốc Công ty CP đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam) và Trần Phục Hưng (giám đốc Công ty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam).
Tám bị cáo tại tòa ngày 20-5. Ảnh: BTP
Cáo trạng cho thấy tháng 8-2018, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Hàn Quốc. Chuyến đi kéo dài từ ngày 4 đến 7-12-2018.
Tiếp đó, Bộ KH&ĐT phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại…
Tuy nhiên, sau khi kết thúc lịch trình công tác, chín người trong đoàn đã trốn lại Hàn Quốc. Trong đó, cơ quan tố tụng xác định sáu người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức trốn đi.
Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Liễu trao đổi với Hoàng Anh (quê Nghệ An, đang cư trú tại Đức) và được biết có nhiều người muốn xuất cảnh đi Hàn Quốc để tìm việc làm.
Với sự trung gian của Trịnh Bang Dũng, Hoàng Anh giới thiệu cho Liễu những khách muốn sang Hàn Quốc, chi phí 10.000 USD/người.
Các bị cáo Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Lương sẽ đi tìm người muốn sang Hàn Quốc để giới thiệu cho Liễu, thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch.
Liễu sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen, để khách đứng tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này, nhằm mang danh nghĩa là người của các doanh nghiệp đi Hàn Quốc để hợp tác kinh doanh.
Tiếp cận được thông tin của Bộ KD&ĐT về chuyến công tác của chủ tịch Quốc hội, Liễu đã chỉ đạo nhân viên làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cho Liễu và khách tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc.
Để che giấu hành vi phạm tội, Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc… Khi đến Hàn Quốc, những người “đi chui” sẽ tạo lý do muốn gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý rồi trốn lại Hàn Quốc.
Cơ quan tố tụng xác định Liễu thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, số tiền thu lời bất chính hơn 700 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo còn xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.
Cũng theo cơ quan tố tụng, các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc… không biết các bị can đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc.
Dù vậy, một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ việc là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp.
Do vậy, cơ quan điều tra đã có văn bản thông báo cho các cơ quan liên quan để có biện pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài.
Hiện phiên tòa đang diễn ra.