Theo tạp chí Business Insider, vào tối ngày 19-5 (giờ Việt Nam), một cuộc bán tháo mạnh mẽ đã diễn ra trên thị trường tiền kỹ thuật số toàn cầu.
Sự sụt giảm diễn ra gần đây nhất là sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo các mã kỹ thuật số không thể được sử dụng như một hình thức thanh toán của các tổ chức tài chính.
Nhà phân tích Nicholas Cawley tại DailyFX (cổng thông tin hàng đầu về tin tức thị trường tài chính) nói với tạp chí Business Insider: "Thị trường tiền điện tử đang chịu áp lực bán không ngừng vào lúc này. Tốc độ bán tháo cho thấy rằng các tài khoản đòn bẩy đang bị ảnh hưởng nặng nề".
Bitcoin có thời điểm giảm tới 31%, xuống 30.016,83 USD, trong khi ether giảm 44% xuống 1.918,77 USD ở mức thấp nhất trong ngày.
Đồng tiền Bitcoin. Ảnh: Coin Desk
Bitcoin vẫn chưa phục hồi sau những lo ngại liên quan đến môi trường của tỉ phú Elon Musk đối với quá trình khai thác. Điều này gây ra làn sóng chấn động toàn bộ hệ sinh thái các tài sản kỹ thuật số.
Tuy nhiên, một số chuyên gia như Jeffrey Wang, người đứng đầu Amber Group tại Mỹ (công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử tích hợp) lại không quá lo ngại.
Ông nói với Business Insider: "Tiền điện tử là một loại tài sản dễ bay hơi, vì vậy theo thời gian sẽ xảy ra các động thái bán tháo. Đây là một đợt xả ra lớn và nếu thị trường muốn tiếp tục, có khả năng cần phải loại bỏ một số giá trị từ các vị trí được bảo đảm quá mức".
Ông John Wu, Chủ tịch Công ty Ava Labs, nhóm đứng sau altcoin Avalanche (một loại tiền kỹ thuật số thay thế cho bitcoin), lưu ý rằng những tin tức gần đây của Trung Quốc và tỉ phú Musk chỉ là cái cớ cho chuyện bán tháo không phải nguyên nhân thực sự.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử lần đầu tiên đạt 2 ngàn tỉ USD vào ngày 5-4, tăng gấp đôi giá trị chỉ trong 3 tháng.
Vào ngày 19-5, các tài sản kỹ thuật số có cổ phiếu của các Công ty Coinbase, Riot Blockchain và Marathon Digital Holdings đều giảm hơn 10%.
Tiền điện tử: nền tảng còn yếu
Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Luis de Guindos nói với đài truyền hình Bloomberg vào hôm 19-5 rằng tài sản tiền điện tử không nên được coi là một "khoản đầu tư thực sự", vì để đánh giá giá trị của chúng là rất khó.
ECB đã gọi bitcoin là "rủi ro và đầu cơ" trong Báo cáo ổn định tài chính mới nhất của mình. ECB đã ví sự tăng giá của bitcoin thời gian qua với sự gia tăng đầu cơ giá của hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ 17, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 1720 tập trung vào các nhà đầu tư Anh tại Công ty South Sea tham gia buôn bán nô lệ.