Từ sạt lở bờ sông
Nhắc lại cảnh thoát chết "chạy" sạt lở, bà Nguyễn Thị Tô Châu (ngụ khu vực Phú Thuận, P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vẫn chưa hết bàng hoàng. Gia đình bà Châu có 8 nhân khẩu phải thuê phòng trọ bên bờ sông Bến Bạ (khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú). Hàng ngày, bà Châu cùng người thân buôn gánh bán bưng, làm thuê kiếm sống. Khoảng 3 giờ ngày 17-5, bà giật mình tỉnh giấc khi nghe tòa nhà kêu răng rắc. Bà chỉ kịp hô to để người thân thức giấc chạy ra ngoài. Trong phút chốc, căn nhà của bà Châu chìm xuống sông.
Về nguyên nhân sạt lở bờ sông, các chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (như dòng chảy, biến đổi khí hậu), gần đây tác động của con người làm gia tăng xói lở (như nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao, đường giao thông làm mất ổn định bờ sông gây sạt lở, do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện...). Bên cạnh đó, do vùng ÐBSCL "khát lũ và đói phù sa" nên việc thiếu phù sa của hệ thống sông, rạch trong vùng buộc dòng sông phải kéo đất bờ rơi vào lòng sông để tạo thế cân bằng.
Cặp căn nhà của bà Châu, bà Phạm Ngọc Hân cũng trong tình trạng tương tự. Toàn bộ căn nhà kèm 3 phòng trọ cùng vật dụng bị "bà thủy" nuốt chững. Trước đó, trưa 15-5, tại huyện Cờ Đỏ cũng xảy ra cơn mưa lớn kèm gió mạnh làm sập hoàn toàn căn nhà của ông Võ Quốc Tiến (ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng). UBND xã Đông Thắng huy động lực lượng hỗ trợ gia đình ông Tiến dọn dẹp nhà cửa, xây dựng lại nhà mới, ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn quận Cái Răng, vụ sạt lở trên không có thương vong về người nhưng thiệt hại tài sản hơn 350 triệu đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, TP.Cần Thơ xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 100m, làm ảnh hưởng 19 căn nhà tại quận Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Cái Răng...
Tại tỉnh Vĩnh Long, tình trạng sạt lở bờ sông đến mức báo động. Địa phương có trên 5.000 tuyến sông, rạch dài gần 5.600km, sạt lở xảy ra suốt năm và đã tàn phá nhiều công trình đất đai, nhà cửa. Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, hằng năm địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 5.000 - 6.000m bờ sông, kinh, rạch. Năm 2019 có 203 tuyến/điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 6.273m bờ sông, kinh, rạch (trong đó diện tích đất bị mất là 24.950,4m2) ảnh hưởng 292 hộ dân, thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Năm 2020 có 225 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 6.404m bờ sông, kênh, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân, thiệt hại gần 11,5 tỷ đồng.
Còn ở An Giang, năm 2020 xảy ra 61 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (tăng 13 điểm so năm 2019), với chiều dài hơn 3.330m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Chính quyền địa phương lo ngại, tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất xuất hiện. Trong đó, hiện tượng sạt lở ở các kênh, mương nội đồng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Bờ sông Cái Bè, Tiền Giang đoạn chảy qua địa bàn xã Đông Hòa Hiệp đang trong tình trạng sạt lở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính quyền địa phương khắc phục được 500m nhưng còn nhiều đoạn người dân lo sợ "chạy" sạt lở.
Đến bờ kè, đê biển
Ngày 19-5, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Vĩnh Long phối hợp các đơn vị liên quan đã kiểm tra hiện trường đoạn sụt lún đê bao chống ngập bằng bê-tông trên địa bàn phường 2 (TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) ngày 17-5. Đây là tuyến đê bao chống ngập TP.Vĩnh Long nối từ cầu lộ đến cầu Tân Hữu (thuộc phường 2, TP.Vĩnh Long) có tổng chiều dài 1.800m. Dự án có tổng kinh phí 159 tỷ đồng, đã thực hiện hơn 60% khối lượng công trình. Tại hiện trường, một đoạn đê bao bằng bê-tông bị sụt lún khá nghiêm trọng, phần bê-tông bị dạt ra ngoài sông, cát tràn ra ngoài tạo thành một khoảng trống rất lớn. Phần sụt lún sâu so với mặt bằng đê bao hơn 1m. Nhiều công nhân đang sử dụng phương tiện múc cát, giảm tải cho các đoạn còn lại nhằm bảo vệ không bị ảnh hưởng...
Anh Nguyễn Hoàng Phương (ngụ khóm 6, phường 2, TP.Vĩnh Long) nhớ lại: "Khoảng 3 giờ 30 ngày 17-5, gia đình tôi chuẩn bị đồ ra chợ bán, khi mở cửa bước ra thì mới tá hỏa vì bờ kè phía trước nhà bị sụt lún rất nghiêm trọng, may mà không ai bị gì”. Đại diện đơn vị thi công cho biết, trước đó, đoạn sụt lún trên có dấu hiệu lún. Đoạn bị sụt lún hơn 50m đang trong quá trình hoàn thành, chỉ còn thả rọ đá là hoàn thành. Thực hiện bằng bê-tông cừ đứng nền cọc sâu 30, sâu hơn đáy lòng sông ba lần. "Nguyên nhân sụt lún ban đầu có khả năng gặp túi bùn, lún cục bộ. Tuy nhiên, Ban quản lý sẽ phối hợp các đơn vị xem hồ sơ địa chất, đo đạc lại và quan sát thực tế sẽ đánh giá nguyên nhân...", cán bộ Ban quản lý dự án tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Vào thời điểm này, các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cảnh báo, địa bàn tỉnh, tình hình sạt lở ven biển có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Sạt lở từ bờ biển lấn sâu vào đất liền, trung bình hàng năm khoảng 10 - 15m. Thống kê trên toàn tỉnh có khoảng 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 118km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; hơn 1.990 công trình bị ảnh hưởng (trong đó, 460 công trình nằm trong vùng rủi ro sạt lở ở mức độ nguy hiểm). Từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển đã xóa sổ hơn 110ha đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km, với gần 100 hộ dân đang sinh sống.
Tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng sạt lở đê biển báo động hơn. Chỉ tính tổng chiều dài bờ biển An Biên - An Minh khoảng 70km, trong đó có trên 50km bị sạt lở. Hiện nay, toàn tuyến vẫn còn 23,2km đê bị sạt lở chưa được gia cố, trong đó tuyến đê biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Vàm Kim Quy, dài khoảng 4,75km hiện bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn tuyến rừng phòng hộ bị sạt lở mất 95%, đoạn Tiểu Dừa đến Cây Gõ đứt đê hoàn toàn. Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có ba bề giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng 254km, gồm bờ Đông (chưa có đê) và bờ Tây tiếp giáp với bờ biển tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Do tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng, bờ biển Cà Mau luôn có nguy cơ sạt lở cao. Vào mùa mưa, chính quyền và người dân địa phương lo sạt lở.
Cần hàng chục ngàn tỷ đồng để phòng, chống sạt lở
Để khắc phục tình tạng sạt lở, sụt lún cần phải có số tiền tương đối lớn. Sở NN&PTNT Bạc Liêu, địa phương hiện có 39 khu vực sạt lở bờ sông, tốc độ sạt lở thường từ 1,0 - 2,0m/năm. Trong đó, có 1 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung. Người dân sống trong vùng sạt lở lúc nào cũng lo sợ. Nhằm ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chính thức ban hành đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển để từng bước khắc phục, củng cố đê điều, ổn định đời sống người dân sống trong vùng sạt lở. Hiện tỉnh có 4 khu vực sạt lở bờ biển tập trung ở huyện Đông Hải, TP.Bạc Liêu ảnh hưởng trực tiếp đến các đô thị, khu dân cư, vết sạt gần đến chân đê, ảnh hưởng công trình hạ tầng đang sử dụng như công trình giao thông, đường điện. Để khắc phục trạng sạt lở, từ nay đến năm 2030, tỉnh cần hơn 19.200 tỷ đồng để thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Để chống sạt lở, năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh quy hoạch 19 khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cát sông với tổng diện tích: 1.211,1ha, tổng tài nguyên cấp 333 là hơn 12,1 triệu mét khối và trữ lượng cấp 122 là: 744.751 mét khối. Trong giai đoạn năm 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh có kế hoạch bố trí ổn định nơi ở cho 2.200 hộ vùng thiên tai, biến đổi khí hậu với tổng kinh phí thực hiện khoảng 115 tỷ đồng. Để định hướng lâu dài cho công tác phòng, chống sạt lở, ngày 2-2-2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch thực hiện "Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn thực hiện kế hoạch khoảng 8.120 tỷ đồng.
Tỉnh Bến Tre đã kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn thực hiện 5 dự án, gồm: Hệ thống kè chống xói lở hai bên bờ sông Giao Hòa (Bình Đại và Ba Tri); Kè chống xói lở sông Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam); Dự án gia cố sạt lở sông Vĩnh Bình (Chợ Lách); Dự án kè chống xói lở khu vực ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức (Bình Đại); Dự án gia cố đê bao chống sạt lở xã Tam Hiệp (Bình Đại). Tổng nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng để xây dựng 20,8km đê kết hợp với kè nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân trong vùng bị sạt lở. UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn để nâng cấp 23km đê biển Tây còn lại, đoạn từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm. Tỉnh đang triển khai các công trình cấp bách tại những đoạn sạt lở đã mất hết cây rừng, khả năng vỡ đê rất cao. Nếu không xây dựng đê khó bảo vệ rừng phòng hộ... Số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.545211_gnaoh-hnik-ol-tas-gnart-hnit-neid-iat/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc