Giá Bitcoin đã giảm tới 29% hôm 28/5 sau khi Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc cảnh báo các ngân hàng thành viên về rủi ro liên quan đến tiền kỹ thuật số. Không chỉ Bitcoin, giá trị các loại tiền kỹ thuật số khác cũng sụt giảm mạnh.
Trước đó, Tesla quyết định không chấp nhận tiền kỹ thuật số làm phương thức thanh toán cho xe điện, cùng với những lo ngại về quy định chặt chẽ hơn đối với tiền kỹ thuật số, cũng là những yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm này.
Bitcoin đã mất khoảng 40% giá trị kể từ khi đạt mức hơn 64.606 USD/đồng vào ngày 13/4.
Vì sao giá Bitcoin lao dốc?
Hôm 18/5, một tuyên bố được đăng trên trang web của Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tài chính nên "cương quyết kiềm chế" trong việc cung cấp dịch vụ sử dụng tiền tệ kỹ thuật số vì tính biến động của chúng.
Hầu như mọi loại tiền mã hóa đều giảm sau tuyên bố của tổ chức nói trên. Bitcoin giảm xuống 30,202 USD trước khi phục hồi lên 38,038 USD, giảm 12% trong ngày, theo Coindesk. Hầu hết các loại tiền mã hóa khác đều mất từ 7% đến 22% giá trị, trong khi cổ phiếu của Coinbase cũng giảm 5,4%.
Giá trị của Bitcoin thường xuyên biến động lên đến hàng nghìn USD trong một khoảng thời gian ngắn. Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020, Bitcoin đóng cửa ở mức dưới 30.000 USD.
Vào giữa tháng 4, đồng tiền này gây sốt khi vờn quanh mốc 65.000 USD. Giá Bitcoin tăng ổn trong thời gian gần đây với một số biến động đáng chú ý, trước khi đảo chiều tiêu cực vào tuần trước.
Tỷ phú Elon Musk có thao túng giá Bitcoin?
Người ta tin rằng, sự biến động khó lường của giá Bitcoin lần này cũng một phần đến từ vai trò của tỷ phú Tesla. Vào tháng 2, Musk thông báo công ty sản xuất ô tô điện Tesla của ông đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Vào tháng 3, Tesla bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Những hành động đó đã góp phần làm tăng giá đồng tiền. Musk cũng quảng bá đồng tiền kỹ thuật số Dogecoin, đồng tiền này cũng tăng đột biến về giá trị.
Tuy nhiên, Musk đã đảo ngược quan điểm chỉ trong một thời gian ngắn. Tuần trước, ông nói Tesla sẽ ngừng chấp nhận Bitcoin vì những thiệt hại về môi trường có thể xảy ra từ việc khai thác đồng tiền. Thông báo đã khiến Bitcoin giảm xuống dưới 50.000 USD, tạo đà cho hàng loạt cú rơi lớn của các loại tiền điện tử khác.
Một số người hâm mộ Bitcoin đã phản đối lập luận của Musk. Tỷ phú Mark Cuban nói rằng khai thác vàng còn gây hại cho môi trường hơn nhiều so với khai thác Bitcoin.
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Kỹ thuật Munich và Viện Công nghệ Massachusetts phát hiện ra mạng Bitcoin tạo ra một lượng CO2 tương tự như một thành phố lớn ở phương Tây hoặc bằng toàn bộ một quốc gia đang phát triển như Sri Lanka.
Nhưng một nghiên cứu của Đại học Cambridge vào năm ngoái ước tính rằng trung bình, 39% hoạt động khai thác tiền điện tử được cung cấp bởi năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng thủy điện.
Công chúng bắt đầu hoài nghi Bitcoin?
Có rất nhiều người đã mất niềm tin vào Bitcoin. Chỉ cần theo dõi giá của Bitcoin lên xuống, các tổ chức, chuyên gia và thương nhân đều hoài nghi về Bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung. Tiền mã hóa được coi là sự thay thế cho tiền giấy, nhưng điều đó đã không xảy ra cho đến nay.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương thường gọi tiền điện tử là "tài sản tiền điện tử", bởi vì sự biến động của chúng làm suy yếu khả năng lưu trữ giá trị, một chức năng cơ bản của tiền tệ.
Bán tháo Bitcoin lúc này có ảnh hưởng gì?
Các nhà quản lý không quá lo lắng về nguy cơ sụp đổ của tiền kỹ thuật số sẽ kéo theo phần còn lại của hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế.
Ngay cả với đợt bán tháo gần đây, các đồng tiền kỹ thuật số vẫn có giá trị thị trường khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, theo trang web coinmarketcap.com. Nhưng chừng đó vẫn quá nhạt nhòa so với thị trường chứng khoán trị giá 46,9 nghìn tỷ USD, thị trường bất động sản nhà ở 41,3 nghìn tỷ USD và thị trường kho bạc gần 21 nghìn tỷ USD hồi đầu năm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 18/5 tuyên bố, rủi ro tiền điện tử ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính có vẻ "vẫn còn hạn chế ở thời điểm hiện tại”.
Lý do là bởi chúng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi cho các khoản thanh toán và hạn chế các công cụ được liên kết với tiền điện tử.
Bitcoin đang ngày càng trở nên phổ biến, với hơn 300.000 giao dịch khởi tạo trong một ngày, theo trang web blockchain.info. Tuy nhiên, mức độ phổ biến vẫn thấp so với tiền mặt và thẻ tín dụng.
Bong bóng Bitcoin sắp vỡ?
Các nhà giao dịch nghiệp dư gần như luôn là người đến muộn bữa tiệc, khi đổ tiền vào đúng thời điểm giá đã bị đẩy lên mức không tưởng và đang trên bờ vực sụp đổ.
Trong trường hợp của Bitcoin, Elon Musk và các nhà quản lý Trung Quốc, đã nhìn thấy điều đó, gây ra một đợt bán tháo đáng chú ý khác trong những ngày gần đây.
Bong bóng Bitcoin đã vỡ một lần vào năm 2018. Nhưng một đợt mua bán điên cuồng đã đẩy giá của đồng tiền từ dưới 11.000 USD vào tháng 10 năm ngoái lên mức cao hơn 60.000 USD vào tháng 4 năm nay, đồng thời thuyết phục những người đầu cơ rằng đó là một tài sản an toàn.
Động thái của tỷ phú Musk được coi là sự “phản bội” đối với giới mộ điệu Bitcoin, trong khi sự can thiệp của Trung Quốc được coi là cơn đại hồng thủy vùi lấp giá trị đồng tiền.
Triển vọng dài hạn của Bitcoin phụ thuộc vào việc nó có trở thành xu hướng chủ đạo hay không. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các nhà quản lý đã cấm các giao dịch tiền điện tử do lo ngại rằng chúng giúp tạo điều kiện cho rửa tiền và các loại gian lận khác, phá hoại các biện pháp kiểm soát dòng tiền.
Điều lo ngại nhất đối với Bitcoin là các quốc gia khác trên toàn cầu có thể đi theo con đường của Trung Quốc, khiến cho đồng tiền này sẽ trở thành loại tiền tệ nằm rìa cuộc chơi vĩnh viễn. Sẽ có tiếng la hét phản đối từ đám đông đam mê tiền điện tử nhưng Trung Quốc sẽ không ngần ngại châm kim vào quả bóng Bitcoin.