Lê Thị Liễu - Giám đốc Công ty CP GVA - câu kết với các bị cáo khác, nhận đưa người trốn ra nước ngoài trong vỏ bọc doanh nhân, đi theo chuyên cơ sang Hàn Quốc.
Sáng 20.5, TAND TP.Hà Nội xét xử Lê Thị Liễu - Giám đốc Công ty cổ phần GVA và 7 bị cáo liên quan vụ 6 người trốn ra nước ngoài, ở lại Hàn Quốc khi "đi nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội hồi cuối tháng 12.2018.
Trước toà, Liễu đồng tình với cáo buộc của Viện Kiểm sát về tội danh “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Tuy nhiên, Liễu phủ nhận việc Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo hưởng lợi 30.000 USD sau khi đưa 4 người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc rồi trốn lại. Liễu cho rằng, "số tiền quy kết bị cáo hưởng lợi là quá cao".
Liễu lập luận trong số 4 người được bị cáo tạo vỏ bọc thành doanh nhân rởm để lên chuyên cơ của đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo đi Hàn Quốc, cô ta chỉ hưởng lợi tiền từ 3 người.
"Riêng trường hợp của lao động Nguyễn Đình Cơ, bị cáo không hưởng lợi từ người này, mong Hội đồng xét xử khấu trừ" - Liễu trình bày.
Đối với quy kết lợi dụng danh nghĩa nhiều doanh nghiệp để cài cắm 4 người có nhu cầu xuất khẩu lao động biến họ trở thành doanh nhân, Liễu cho rằng, cô ta tự bỏ tiền để mua 2 công ty, không phải lợi dụng tất cả doanh nghiệp này.
Ngoài ra, bị cáo khai để lên được chuyên cơ của đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo sang Hàn Quốc, Liễu đã phải bỏ ra 40 triệu đồng để chi phí sinh hoạt, đi lại cho bản thân.
Liễu cho rằng, trong vụ án này, cơ quan tố tụng cần xem xét trách nhiệm của Hoàng Anh. "Hoàng Anh có vai trò rất quan trọng khi tổ chức vụ này" - Liễu nêu vấn đề.
Theo bị cáo, Hoàng Anh là người nhờ Liễu giúp đưa một vài lao động quê Nghệ An sang Hàn Quốc làm việc. Theo thỏa thuận, Hoàng Anh sẽ chọn người xuất cảnh, còn bị cáo hỗ trợ làm thủ tục.
Liễu thừa nhận trên thực tế, cô ta không hề có chức năng đưa người đi xuất khẩu sau đó ở lại để lao động. Sau khi gặp 4 người do Trịnh Bang Dũng đưa đến, bị cáo đã hỏi từng lao động về mục đích họ muốn sang Hàn Quốc.
Sau cuộc gặp, bị cáo biết rõ, họ muốn sang đó để làm việc. Quá trình lo thủ tục, bị cáo cũng đều thông báo các bước thực hiện cho Hoàng Anh.
"Hoàng Anh cũng thỏa thuận với bị cáo là sau khi thu tiền và đưa 4 người ra nước ngoài, bị cáo phải trích lại cho Hoàng Anh 6.000 USD (tương đương 1.500 USD mỗi người)" - Liễu khai nhận.
Đối với những lời khai trên, chủ tọa đánh giá đó chỉ là trình bày một phía từ Liễu. Hoàng Anh đang cư trú ở Đức, chưa về Việt Nam nên không thể đối chất.
Theo cáo buộc, tháng 8.2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức cho đoàn lãnh đạo đi công tác Hàn Quốc. Đầu năm 2018, Liễu nói chuyện qua mạng với bạn thân là Hoàng Anh (35 tuổi, cư trú ở Cộng hoà Liên bang Đức). Người này cho biết, nhiều người là đồng hương với anh ta ở Nghệ An muốn sang Hàn Quốc làm việc.
Liễu đã nhận lời làm thủ tục visa để cho những người này xuất cảnh giá 10.000 USD/trường hợp. Hai bên thỏa thuận, chú ruột của Hoàng Anh là Trịnh Bang Dũng (quê Nghệ An) sẽ đưa lao động gặp Liễu.
Liễu cùng Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương lên kế hoạch tổ chức cho 4 lao động đội lốt doanh nhân để đi cùng đoàn tháp tùng sang Hàn Quốc rồi trốn ở lại nước này.
Liễu đã lên mạng internet tìm mua những doanh nghiệp rao bán bằng hình thức chuyển nhượng. Mục đích để gán tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này cho những lao động muốn xuất cảnh. Với thủ đoạn trên, các hồ sơ do Liễu đề xuất đã được ban tổ chức phê duyệt.
Ngày 4.12.2018, Liễu cùng các lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Sau đó, theo chỉ dẫn của nữ bị cáo, các lao động vờ đi gặp đối tác hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý. Cuối cùng, nhóm này tách đoàn rồi trốn lại.
Trong số 6 người trốn ra nước ngoài, 4 người bị trục xuất về Việt Nam; 2 người vẫn lẩn trốn.
Chiều 20.5, HĐXX và đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.
Xem thêm: odl.613119-oc-neyuhc-oeht-couq-nah-id-nort-iougn-6-aud-uv-ux/taul-pahp/nv.gnodoal