- Mỹ-Trung kết thúc đàm phán mà không có tuyên bố chung
- Mỹ và 4 nước châu Âu ra tuyên bố chung nhân dịp 10 năm nội chiến Syria
Không có gì khó hiểu khi mọi sự chú ý của giới quan sát quốc tế dồn về một địa điểm bên kia Đại Tây Dương, khi lửa giao tranh bùng lên trên Dải Gaza và để lại những hình ảnh thảm khốc. Như mọi lần, nước Mỹ vẫn đóng vai trò then chốt tại điểm nóng xung đột này. Vấn đề là liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng chính quyền của ông sẽ có thể làm được gì để thiết lập trạng thái ngừng bắn, và kiến tạo được giải pháp hòa bình nào mới, khi những gì đang diễn ra hôm nay cũng bắt nguồn từ chính sự hậu thuẫn bền bỉ dành cho Tel Aviv của Washington?
Bom nổ trên dải Gaza có nguyên nhân sâu xa từ các vận động địa chính trị trước đó. |
Phần nổi của tảng băng
Đó là việc cả Mỹ nói riêng lẫn phương Tây nói chung, tiêu biểu là Đức, dù kêu gọi ngừng bắn và bảo vệ tính mạng dân thường nhưng vẫn nhất quán quan điểm: ủng hộ quyền tự vệ (bằng hành động vũ lực quân sự) của Israel.
Ngày 17-5, điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra thông báo: “Tổng thống (Joe Biden) đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với một lệnh ngừng bắn và đã thảo luận về cam kết của Mỹ với Ai Cập cũng như các đối tác khác nhằm hướng đến chấm dứt (xung đột)”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken phát biểu: Mỹ hết sức nỗ lực nhằm chấm dứt vòng xoáy bạo lực hiện nay, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ nếu các bên tìm kiếm một lệnh ngừng bắn (tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod tại thủ đô Copenhagen). Ông đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với quyền tự vệ của Israel nhưng nhấn mạnh Israel phải làm tất cả có thể để tránh gây thương vong cho dân thường.
Nỗi đau đớn của Tổng thống Palestine - Mahmoud Abbas. |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Bà kêu gọi Israel và Palestine nhanh chóng chấm dứt làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm, song cũng một lần nữa bày tỏ “tình đoàn kết” với Israel. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Merkel - ông Steffen Seibert cho biết, bà Merkel một lần nữa chỉ trích các cuộc nã rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ của Israel, đồng thời tái khẳng định quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công.
Cũng trong ngày 17-5, 28 thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi quân đội Israel và lực lượng Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn. Trong tuyên bố này, các thượng nghị sĩ kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức nhằm ngăn chặn có thêm những thiệt hại về người và căng thẳng leo thang tại khu vực. Tuyên bố ấy đã nhận được sự ủng hộ của ông Dick Durbin, thượng nghị sĩ bang Illinois, người được coi là nhân vật “số 2” của đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Và theo một số hãng truyền thông Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại đang có những động thái ngăn chặn nỗ lực chung của Trung Quốc, Na Uy và Tunisia nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chung kêu gọi các bên chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm diễn ra ngày 17-5 ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhất trí: Việc chấm dứt hành vi thù địch tại khu vực Trung Đông là “hoàn toàn cần thiết”. Hai ông đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn nhằm ngăn chặn xung đột gia tăng. Tổng thống Macron tuyên bố ủng hộ vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập.
Triển vọng hòa bình bền vững là rất xa vời. |
Nhưng, trước đó một ngày, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã triệu tập một hội nghị ngoại trưởng trực tuyến khẩn cấp nhằm lên án các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động buộc Israel phải chấm dứt các hành động bạo lực đối với dân thường Palestine. Cuộc họp ấy được tổ chức theo đề nghị của Saudi Arabia. Chủ trì hội nghị, Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah khẳng định: Israel đã vi phạm các nghị quyết quốc tế. Theo ông, Riyadh bác bỏ các kế hoạch và biện pháp dùng vũ lực của Israel nhằm trục xuất người Palestine khỏi nơi ở của mình tại Đông Jerusalem, áp đặt chủ quyền trái phép và tiến hành các hành động quân sự gây thương vong.
Nghĩa là, một cách ngắn gọn, nước Mỹ đã buộc phải tái khẳng định sự ủng hộ đối với một đồng minh quan trọng hàng đầu là Israel, như một sự đáp trả có thể gây nên những cơn giận dữ từ một đồng minh quan trọng khác - Saudi Arabia, đồng thời chấp nhận những làn sóng “bài Mỹ” mới có thể sẽ lại dấy lên trong thế giới Arab Hồi giáo.
Quỹ đạo định sẵn
Chúng ta có thể thấy, trong các diễn biến đó là 2 cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Bên cạnh đó, khi nước Mỹ mắc kẹt với sự nhất quán cực kỳ khó thay đổi trong chính sách Trung Đông của chính mình, cũng đã có những cường quốc phương Tây khác (cụ thể là Pháp) đang sẵn sàng nắm lấy các cơ hội ngoại giao nhằm tăng cường ảnh hưởng và nâng cao vị thế ở khu vực “trọng địa” này.
Những khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. |
Washington và Đức, cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác coi việc Israel tổ chức những cuộc hành quân vào Dải Gaza là hành động tự vệ hợp lẽ, khi các nhóm vũ trang Palestine tại đây (tiêu biểu là Hamas) đã nã tới 3.150 quả rocket về phía lãnh thổ Israel. Thế nhưng, Saudi Arabia và IOC lại chú trọng đến những nguyên nhân sâu xa và cốt lõi hơn, xuất phát từ việc Israel ngày càng lấn tới và lãnh thổ Palestine theo các hiệp ước quốc tế cũng ngày càng bị thu hẹp.
Vấn đề đó không nằm ở Gaza mà nằm ngay ở Jerusalem. Hay nói cách khác, những loạt rocket bắn về phía lãnh thổ Israel có liên quan trực tiếp đến các vận động ngay ở trung tâm thành phố cổ xưa và đầy tính biểu tượng đó. Trong cả chuỗi tiến trình tính đến lúc này, mối uất hận mà Hamas nói riêng cũng như người Palestine hay cộng đồng Arab Hồi giáo nói chung dành cho Tel Aviv có lẽ sẽ không sâu sắc đến thế, khiến mọi chuyện trở nên khó dàn xếp đến thế, nếu nước Mỹ không đã và đang ủng hộ Israel nhiệt thành đến thế.
Ông Joe Biden từng tuyên bố muốn đảo ngược rất nhiều điểm trong chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng, riêng ở vấn đề này, có lẽ ông sẽ rất khó thay đổi được gì. Mà như những gì đã và đang diễn ra trong thực tế, cũng có thể nói rằng chính quyền đương nhiệm của vị Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ ấy đang kế thừa, tiếp nối và duy trì một cách kiên định hướng đi do vị cựu tổng thống đảng Cộng hòa đã vạch ra.
Ta có thể điểm lại những nét chính mang tính cốt yếu, suốt 4 năm nhiệm kỳ của ông Donald Trump: Đầu tiên, ông đơn phương xác nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel (cho dù Tel Aviv vẫn là trung tâm hành chính và chính trị trên thực tế), rồi lập tức dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel về đó, bất chấp sự phản đối dữ dội của cộng đồng Arab Hồi giáo (bởi một nửa Jerusalem vẫn được coi là thủ đô tương lai của nhà nước Palestine độc lập). Nước Mỹ, khi thực hiện động thái đó, đã đưa ra một tuyên ngôn và các đồng minh của họ khi gửi đại diện tới buổi lễ khánh thành đại sứ quán mới cũng đã buộc phải thừa nhận tuyên ngôn ấy.
“Trump khiến Israel trở nên vĩ đại” - bức ảnh đầy ý vị về việc dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem của hãng ABC. |
Và sau đó, điều gọi là “Tiến trình hòa bình Trung Đông mới” - hay “Giải pháp thế kỷ” (theo cách gọi của chính quyền ông Donald Trump) được vạch ra, rồi nhanh chóng đưa vào thực tế. Theo đó, hòa bình tại Trung Đông được đặt căn bản trên cơ sở là tiến trình bình thường hóa riêng rẽ và song phương, giữa Israel với các quốc gia Arab Hồi giáo trong khu vực. Mỹ đóng vai trò trung gian, cũng như bảo đảm cho việc thực hiện tiến trình ấy bằng những dự án đầy hứa hẹn về các lợi ích kinh tế, khi thiết lập và kết nối sự hợp tác.
Lần lượt, đã có 4 quốc gia Hồi giáo chấp nhận hòa đàm và bình thường hóa quan hệ với Israel: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Bahrain, Morocco và Sudan. Trong những buổi lễ ký kết bình thường hóa được tổ chức ngay trong khuôn viên Nhà Trắng, những tương lai hòa bình và ổn định được khắc họa trong bầu không khí hồ hởi. Nó tạm che khuất một vấn đề then chốt đã bị phớt lờ: Chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của người Palestine.
Israel, từ trước khi tiến trình Hòa bình Trung Đông mới ấy bắt đầu được thực thi trái với Hiệp định hòa bình Oslo (1993-1995), đã liên tục đẩy mạnh những hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái. Họ lại càng được cổ vũ khi ông chủ cũ của Nhà Trắng tuyên bố đảo ngược quan điểm truyền thống đã tồn tại tới 40 năm của chính nước Mỹ: Xem những khu định cư ở Bờ Tây là hợp pháp, thay vì là lãnh thổ chiếm đóng, như cách nhìn trong quá khứ.
Hình ảnh Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas rớm lệ khi giơ lên 4 tấm bản đồ thể hiện việc lãnh thổ đã được hứa hẹn cho Palestine bị thu hẹp theo năm tháng, là lời cảnh báo rằng mối hiềm khích nghìn năm này sẽ vẫn còn âm ỉ để bùng cháy vào thời điểm thích hợp, kể cả khi tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với cộng đồng Arab Hồi giáo có được Mỹ bảo trợ.
Và bây giờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng chính quyền của mình, thực ra, sẽ có lựa chọn nào khác, ngoài việc tiếp tục quỹ đạo đã được vạch ra ấy? Xét cho cùng, việc tiếp tục đứng về phía Israel vẫn là đường lối bất biến trên chính trường Mỹ. Nó phù hợp với lợi ích cốt lõi của nước Mỹ và không thể bị thay đổi trong một sớm một chiều...
Mây LinhXem thêm: /909146-yM-coun-auc-meihn-hcart-ek-auht-naohK/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna