SCIC dự kiến thoái vốn tại FPT, Sabeco, Bảo Việt trong năm 2021
Hoàng Thắng
(KTSG Online) – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như Sabeco, FPT, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Sông Đà... trong năm 2021.
Một góc nhà máy sản xuất bia của Sabeco. Ảnh minh hoạ: DNCC. |
Theo đó, SCIC dự kiến thoái vốn tại 88 doanh nghiệp trong năm 2021. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Với Sabeco, SCIC đã đã nhận chuyển nhượng 230 triệu cổ phần tại doanh nghiệp từ Bộ Công Thương - tương ứng tỷ lệ 36% cổ phần tại doanh nghiệp - vào tháng 8-2020, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Nhưng việc thoái vốn tại Sabeco đã không diễn ra đúng hạn.
Với FPT, SCIC vẫn chưa thể thoái vốn khỏi doanh nghiệp dù chủ trương này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2017. Đáng chú ý, SCIC từng đăng ký bán đấu giá toàn bộ 46 triệu cổ phiếu FPT với mức giá khởi điểm 49.400 đồng một cổ phiếu vào tháng 8-2020, nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia.
Bên cạnh những doanh nghiệp trên, danh sách thoái vốn của SCIC có một số tổng doanh nghiệp mới được tiếp nhận trong năm năm 2020 Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, SCIC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 6.498 tỉ đồng và 3.300 tỉ đồng, giảm lần lượt 18% và giảm 47% so với năm 2020.
Hiện SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 157 doanh nghiệp. Trong đó, một số đơn vị chưa có kế hoạch thoái vốn do mới được tiếp nhận hoặc được giữ lại theo dự thảo chiến lược như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB), Dược Hậu Giang, FPT Telecom, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia.
Về tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 286,6 tỉ đồng, thu về NSNN 2.165,4 tỉ đồng.
Trong đó, việc thoái vốn tại 3 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng giúp ngân sách thu về 84,1 tỉ đồng. Còn việc thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Thái Sơn giúp ngân sách thu về 2.081,3 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bù đắp chi phí thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình và Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa Quảng Bình theo Quyết định số 427/BTC-TCDN ngày 26-3-2021.
Xem thêm: lmth.1202-man-gnort-teiv-oab-ocebas-tpf-iat-nov-iaoht-neik-ud-cics/605613/nv.semitnogiaseht.www