Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 20-5 - Ảnh: BNG
"Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, sản xuất và phân phối vắc xin không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia, một doanh nghiệp, mà là vấn đề nhân đạo với mục tiêu quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng; không nước nào có thể bảo đảm an toàn khi các nước khác vẫn còn dịch bệnh trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Năm nay, đại dịch COVID-19 được cho đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực, cũng như đời sống kinh tế - xã hội của các nước. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh đó, các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng để đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua đại dịch.
5 phương châm, 6 nội dung hợp tác
"Trong những lúc khó khăn, chúng ta càng phải đoàn kết hơn, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt", Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và cùng "chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19".
Cụ thể, Thủ tướng đề xuất các hợp tác của châu Á trước hết xoay quanh việc phát triển nội lực mạnh mẽ cũng như khả năng thích ứng, tự lực tự cường và củng cố hợp tác quốc tế.
Các hợp tác này cũng phải lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng, coi khó khăn và thách thức là động lực vươn lên.
Những phương châm này là nền tảng cho 6 nội dung hợp tác. Thứ nhất là phát triển hạ tầng chiến lược, chất lượng cao để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo đột phá về dài hạn.
Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đưa công nghệ số, chuyển đổi số thành động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID-19.
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch.
Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai.
Và thứ sáu, việc bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch.
Nền tảng là hòa bình
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay đòi hỏi các nước phải chung tay ứng phó.
"Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nguồn cung và tiếp cận bình đẳng, kịp thời vắc xin, đồng thời giảm bớt các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vắc xin một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng", ông Chính nói.
"Đồng thời, chúng ta có thể nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này, như việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi", Thủ tướng đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều kiện tiên quyết cho việc phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch là đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khu vực và quốc tế tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách và chưa có tiền lệ, điều trên hết và trước hết là các nước cần đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định với tinh thần tôn trọng, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Thủ tướng nêu ví dụ điển hình về câu chuyện Biển Đông, một trong những chủ đề "nóng" nhất khu vực xét về an ninh và hợp tác. Việc giải quyết tranh chấp và bất đồng ở Biển Đông cần được thực hiện bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, trong đó đặc biệt là tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Thủ tướng tái nhấn mạnh việc cần phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán để Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú trọng duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu ở châu Á, do Hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức hằng năm từ năm 1995 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế.
Hội nghị năm nay có chủ đề "Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu". Tại đây, các đại biểu biểu tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh mới, những nỗ lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các thách thức truyền thống và phi truyền thống châu Á đang đối mặt, cũng như giải pháp kiến tạo kỷ nguyên mới hậu đại dịch.
TTO - Bên cạnh thông điệp cùng đoàn kết để vượt qua đại dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam ngày 20-5 nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết bất đồng và tranh chấp ở Biển Đông.
Xem thêm: mth.12525808012501202-91-divoc-uah-ial-gnout-oat-neik-a-uahc/nv.ertiout