Làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát trên diện rộng, lan ra 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Do đó, sau 2 đợt giảm giá điện, Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng, nên mở rộng thêm một số đối tượng.
Thu hẹp đối tượng được giảm tiền điện do tác động của dịch bệnh COVID-19
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Với yêu cầu này, đối tượng để miễn, giảm tiền điện được thu hẹp lại khi người dùng là hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở hành chính sự nghiệp không được xem xét để hưởng chính sách này.
Trong khi năm ngoái, với tác động của dịch COVID-19, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho hầu hết các khách hàng, với tổng số tiền lên tới 12.300 tỉ đồng.
Trong đó, hộ tiêu dùng sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, cơ sở lưu trú du lịch và khách hàng có kho chứa hàng hóa được áp dụng mức giảm giá bằng mức giá bán lẻ áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám bệnh…
Cần giảm thêm cho doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá điện, tiền điện được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp đều gia tăng.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, trong tổng số hơn 26 triệu khách hàng sinh hoạt đang mua điện của EVN, có xấp xỉ 23 triệu khách hàng (chiếm tỉ lệ trên 85%) có mức bình quân sử dụng điện dưới 300kWh/tháng. Phần lớn các khách hàng thuộc nhóm này là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương.
"Tôi cho rằng, ngoài đề xuất giảm giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN, các đơn vị bán lẻ điện, thì nên giảm thêm giá bán lẻ điện cho đối tượng là khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông. Bởi, đại dịch khiến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp phải lưu container tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi khá cao" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc đề xuất giảm tiền điện lần 3 thể hiện sự cố gắng chung tay của ngành Điện cùng Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Còn việc giảm thế nào, đối tượng ra sao thì cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên, trong đó có EVN. Vì hiện nay, chi phí mua điện của EVN càng ngày càng tăng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong lần giảm giá tiền điện đầu tiên vào tháng 4, 5, 6.2020, tất cả các doanh nghiệp và người dân đều rất hoan nghênh. Nhìn trên diện rộng với nhiều doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc cắt giảm chi phí tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng.
Chính vì vậy, nếu lần này thực hiện được việc giảm giá điện cho người dân, khách hàng sẽ có ý nghĩa rất lớn. Bởi, giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Quốc hội đã đặt ra.
"Tôi cho rằng, trước sự càn quét của đại dịch COVID-19 như hiện nay, nên giảm giá điện cho 2 đối tượng: Thứ nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; thứ hai là các cơ sở cách ly tập trung. Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mức giảm giá từ 5-10%, còn với các cơ sở cách ly tập trung, mức giảm cần cao hơn, thậm chí có thể miễn tiền điện từ 1-2 tháng cao điểm" - ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, nếu việc hỗ trợ giảm giá điện được áp dụng trong thời gian tới, thì Bộ Công Thương cần thành lập đoàn thanh tra để thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền điện, chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số côngtơ, hoá đơn tiền điện theo quy định.
Xem thêm: odl.215119-neid-aig-maig-hcas-hnihc-gnouh-gnout-iod-gnor-om-nen/et-hnik/nv.gnodoal