vĐồng tin tức tài chính 365

Ai đang sở hữu các đội bóng ở Việt Nam?

2021-05-21 10:45

Đằng sau sự thành công của các đội bóng ở Việt Nam không thể thiếu đi vai trò đặc biệt quan trọng từ các ông bầu - cách gọi thân mật của những doanh nhân có niềm đam mê với bóng đá.

Ở thời sơ khai của V-League đầu những năm của thập niên trước, trận cầu giữa "Gạch" Đồng Tâm Long An và "Gỗ" Hoàng Anh Gia Lai luôn được người hâm mộ chờ đợi, không chỉ bởi vị thế hàng đầu, mà còn bởi sự nhiệt huyết của hai ông bầu: Bầu Đức và bầu Thắng. Gần 2 thập kỉ trôi qua, bầu Thắng đã lặng lẽ rút lui khỏi bóng đá, V-League cũng chứng kiến nhiều ông bầu đến rồi đi, nhưng bầu Đức thì vẫn còn đó.

Sự nghiệp kinh doanh của ông bầu gốc Bình Đình đi xuống rõ rệt 5 năm trở lại đây, tuy nhiên sự đam mê với trái bóng tròn chưa bao giờ vơi cạn. Phát triển học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG vào năm 2007, tạo ra thế hệ cầu thủ vàng hiện nay, hay đứng ra mời HLV Park Hang Seo , giờ đây trở thành HLV công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, có công lao to lớn của bầu Đức.

Cũng vì vậy, mà Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là cái tên được người hâm mộ Việt đặc biệt yêu mến.

Hơn một thập kỉ trở lại, sự nổi lên nhanh chóng của bầu Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB và ông chủ của Tập đoàn đa ngành T&T Group khiến bầu Đức có thêm một đối trọng. Hai vị doanh nhân này không hiếm lần được dư luận đặt lên bàn cân để so sánh.

Nổi tiếng với việc tài trợ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho nhiều đội bóng, và thậm chí còn mang tiếng "thao túng" V-League, tuy nhiên đứng ở nhiều góc độ, sự đóng góp của bầu Hiển với bóng đá Việt là không thể phủ nhận. Và niềm đam mê của ông chủ T&T Group, chắc cũng chẳng kém ai. Rất bận bịu với công việc kinh doanh, nhưng hình ảnh ông bầu trên sân Hàng Đẫy mỗi khi CLB Hà Nội ra sân đã trở nên quen thuộc.

 Ai đang sở hữu các đội bóng ở Việt Nam?  - Ảnh 1.

Dù bận trăm công nghìn việc, điều hành tập đoàn lớn nhưng bầu Hiển vẫn thường xuyên dự khán các trận đấu và không thiếu dịp xuống tận sân tán dương cầu thủ, ban huyến luyện khi thắng trận. Nguồn ảnh Thanh niên.

Doanh nhân họ Đỗ từng khẳng định mối liên hệ giữa Tập đoàn T&T và CLB Hà Nội cũng như giữa Ngân hàng SHB với CLB SHB Đà Nẵng chỉ là mối quan hệ giữa “đội bóng và nhà tài trợ”, ông khẳng định không được gì khi làm bóng đá và ông làm cũng không vì lợi ích kinh tế.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, CTCP Thể thao Hà Nội T&T – đơn vị vận hành CLB Hà Nội được thành lập vào tháng 9/2008, Chủ tịch HĐQT hiện là ông Nguyễn Quốc Hội (SN 1967), trong khi ông Đỗ Vinh Quang - thứ nam của bầu Hiển đảm trách vai trò Thành viên HĐQT.

Còn CTCP Thể thao SHB Đà Nẵng được thành lập vào tháng 11/2008 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 5 tỷ đồng, đến tháng 7/2016 nâng lên mức 100 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Trần Văn Long (SN 1976).

Ngoài Hà Nội và SHB Đà Nẵng, tương tự với trường hợp của các đội Sài Gòn, Than Quảng Ninh, bầu Hiển dù không sở hữu trực tiếp nhưng đều là nhà tài trợ đặc biệt, thậm chí khán giả từng chứng kiến cảnh ông bầu này xuống tận sân để thưởng cho các cầu thủ Sài Gòn trong trận đấu với chính Hà Nội trên sân Hàng Đẫy.

Trong đó, CTCP Phát triển bóng đá Sài Gòn – đơn vị vận hành Sài Gòn FC được thành lập vào cuối năm 2013 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Minh Giang (20%), CTCP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Quốc tế (20%), Đỗ Ngọc Khanh (15%), Nguyễn Giang Đông (30%) và Lương Thị Yến (15%). 3 năm sau đó (ngày 3/3/2016), 2 pháp nhân trên đã thoái vốn khỏi Sài Gòn, trong khi tỷ lệ sở hữu của các cá nhân vẫn được giữ nguyên.

Đến đầu năm 2020, chủ mới của Sài Gòn FC đã chính thức lộ diện là Him Lam Group và Capella Holdings. Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành thời điểm ấy từng chia sẻ rằng: "CLB Bóng đá Sài Gòn thuộc CTCP Phát triển Bóng đá Sài Gòn. Ông bầu mới của đội rất đam mê bóng đá, bỏ tiền ra cho bóng đá. Còn chuyện các cổ đông chuyển giao, tôi không thấy dính đến bầu Hiển".

Chủ tịch mới của CTCP Phát triển bóng đá Sài Gòn là ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch của Capella Holdings. Đầu năm 2021, Đại học Văn Lang thuộc hệ sinh thái Capella Holdings đã nhận tiếp quản Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF từ Vingroup.

Với CLB Than Quang Ninh, đơn vị chủ quản của đội bóng này là Công ty TNHH 1 TV Bóng đá Quảng Ninh được thành lập vào tháng 8/2014. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là Nguyễn Anh Vũ (SN 1988).

Gần đây nhất, "độ phủ sóng" của bầu Hiển còn được đồn đoán thêm cả Sông Lam Nghệ An khi nhà tài trợ mới của CLB này là Tập đoàn Tân Long có nhiều liên quan tới T&T Group.

Đơn vị vận hành CLB Sông Lam Nghệ An chính là CTCP Sông Lam Nghệ An (viết tắt SLNA JSC).

SLNA JSC được thành lập vào tháng 7/2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, 3 thành viên của Tập đoàn TH chiếm 80%, còn hai cá nhân còn lại gồm ông Nguyễn Hữu Thắng và ông Nguyễn Hồng Thanh mỗi người nắm giữ 10%.

Giai đoạn 2016-2018, 2 thành viên thuộc tập đoàn TH và ông Nguyễn Hồng Thanh đã lần lượt thoái vốn. Cập nhật tại ngày 27/7/2018, vốn điều lệ của SLNA JSC là 20 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Xây dựng và quản lý dự án Quốc tế - thành viên thuộc Tập đoàn TH sở hữu 35% còn huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng nắm giữ 10%. Tổng giám đốc hiện nay là ông Nguyễn Hồng Thanh (SN 1950).

Đáng chú ý, trong sự nghiệp làm bóng của mình, bầu Hiển còn nổi tiếng về độ chịu chơi khi chuyển giao đội Hà Nội B cho tỉnh Hà Tĩnh, đổi tên thành Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chịu sự quản lý của CTCP Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2018 với vốn điều lệ 38 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Tiến Dũng (55%), Nguyễn Văn Đàm (20%) và Nguyễn Hùng Tuấn (25%). Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1986).

Bên cạnh bầu Đức và bầu Hiển, bầu Đệ cũng được xem là người có ảnh hưởng nhất định đến cuộc chơi bóng đá Việt Nam với cá tính khác người.

Bầu Đệ đến với bóng đá Thanh Hoá từ năm 2011 và ngay mùa giải đầu tiên dưới thời doanh nhân này, CLB Thanh Hóa tiến vào bán kết Cúp Quốc gia. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị ra đời CTCP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Thời điểm ấy, bầu Đệ cùng bầu Thắng, bầu Đức, bầu Thụy, bầu Trường đã giúp cho bóng đá Việt Nam trở nên sôi động.

Song, không hiếm lần bầu Đệ tạo ra những tranh cãi bằng các phát ngôn và phản ứng với ban tổ chức, trọng tài và cả với nội bộ đội Thanh Hóa.

Đặc biệt bầu Đệ là một trong số những người gửi văn bản đề xuất kết thúc sớm V-League 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính ông đã chỉ đạo CLB Thanh Hoá gửi công văn xin chủ động bỏ giải vì hoàn cảnh khó khăn thời đại dịch, dù sau đó ông bầu này lại nhanh chóng thay đổi quyết định.

Dưới thời bầu Đệ, đơn vị vận hành CLB Thanh Hóa là Công ty TNHH MTV – CLB Bóng đá Thanh Hóa. Công ty này được Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa thành lập đầu năm 2019 với vốn điều lệ 39 tỷ đồng. Đến ngày 24/4/2019, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc do ông Nguyễn Văn Đệ nắm giữ, thay cho người tiền nhiệm là ông Trần Quốc Hưng (SN 1962).

Đến tháng 11/2020, bầu Đệ đã bàn giao quyền quản lý, điều hành CLB này cho ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Đông Á. Bầu Đệ và bầu Đoan vốn là bạn bè với nhau nên ông Đoan cho biết "Những gì anh Đệ làm được, tôi sẽ cố gắng phát huy, còn những gì anh Đệ chưa làm được, tôi sẽ khắc phục và thay đổi".

Sau khi tiếp quản đội bóng này, vào ngày 20/11/2020, ông Cao Tiến Đoan cũng đã tiến hành thành lập Công ty TNHH Một thành viên Bóng đá Thanh Hóa với vốn điều lệ ở mức 36 tỷ đồng.

Một ông bầu khác là Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng cũng từng làm nổi sóng dư luận với những phát biểu gai góc về bóng đá Việt Nam. Được biết, mỗi năm CLB Hải Phòng đều được ngân sách thành phố tài trợ khoảng 40 tỷ đồng và giao cho ông Trần Mạnh Hùng quản lý thông qua CTCP Thể thao Hải Phòng.

Công ty này được thành lập vào cuối năm 2013 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 50%, còn lại là CTCP Tập đoàn Việt Úc (15%), Công ty TNHH Thương mại VIC (5%), CTCP Đầu tư Nam Đình Vũ (15%), Công ty TNHH Thương mại du lịch Xây dựng (5%), Công ty TNHH Thương mại Đầu tư H&T (5%), Công ty TNHH Thương mại Đan Việt (2,5%) và CTCP Bimexco 1 (2,5%).

Đến tháng 5/2019, vốn điều lệ công ty của Thể Thao Hải Phòng giảm xuống còn 17,77 tỷ đồng, thành phần cổ đông lúc này như sau: Nhà nước (60,62%), Công ty TNHH Thương mại VIC (2,81%), CTCP Đầu tư Nam Đình Vũ (8,43%), Công ty TNHH Thương mại du lịch Xây dựng (5,62%), Công ty TNHH Thương mại Đan Việt (2,81%), CTCP Bimexco 1 (2,81%).

Dưới thời bầu Hùng, CLB Hải Phòng từng giành Cup Quốc gia 2014 và á quân V-League 2016. Tuy nhiên, những mùa gần đây đội bóng lại liên tục sa sút, do đó, tháng 4/2021, UBND TP.Hải Phòng đã bàn giao CLB Hải Phòng cho CTCP Sông Hồng điều hành quản lý.

Sông Hồng được thành lập vào tháng 11/2003 với vốn điều lệ 2,8 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm ông Trần Văn Hoàn (53,57%), Trần Ngọc Thông (7,14%) và Trần Văn Ngọ (10,71%). Đến cuối năm 2017, vốn điều lệ công ty này tăng lên mức 20 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trên vẫn được giữ nguyên.

Sau động thái trên, ông Văn Trần Hoàn, cổ động viên nổi tiếng với biệt danh Hoàn "pháo" cũng đã được giao làm Chủ tịch CLB Hải Phòng thay ông Trần Mạnh Hùng. Giao đội bóng cho ông Văn Trần Hoàn, UBND TP. Hải Phòng cam kết vẫn giữ nguyên mức đầu tư kinh phí khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài những câu lạc bộ với sự dẫn dắt của những ông bầu nổi tiếng như vừa điểm tên ở trên, bóng đá Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn với lối chơi phong phú của các đội như Becamex Bình Dương, CLB Hồ Chí Minh hay Topenland Bình Định.

Trong đó CTCP CLB Bóng đá Becamex Bình Dương được thành lập vào đầu năm 2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng và được tăng lên mức 45 tỷ đồng vào 9 tháng sau đó. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Hồ Hồng Thạch (SN 1967). Còn CTCP Bình Định Sport – quản lý Topenland Bình Định có tiền thân là CTCP thể thao Hưng Thịnh, được thành lập tháng 11/2019 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm Võ Văn Thư (30%), Huỳnh Văn Lập (40%) và Nguyễn Công Tâm (30%). Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là Nguyễn Hữu sang (SN 1972).

Hay như CLB Nam Định với sự quản lý CTCP Thể thao Dược Nam Hà Nam Định cũng tạo được nhiều dấu ấn đáng chú ý. Công ty này được thành lập vào đầu năm 2018 với vốn điều lệ 28,5 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm UBND tỉnh Nam Định (47,368%),CTCP Trường Yên Holdings (49,123%), Chu Thế Quang (3,5%). Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là Trần Thái Toán (SN 1978).

Riêng với CTCP Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh – đơn vị quản lý CLB Hồ Chí Minh, pháp nhân này được thành lập vào tháng 11/2016 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Viễn Đông (15%), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Bình Minh (70%) và Nguyễn Thanh Tuyền (15%). Tháng 6/2017, doanh nghiệp này tăng vốn lên 300 tỷ đồng, trở thành công ty vận hành câu lạc bộ bóng đá có vốn điều lệ lớn hàng đầu hiện nay.

Khánh An

Nhà đầu tư

Xem thêm: nhc.97415910112501202-man-teiv-o-gnob-iod-cac-uuh-os-gnad-ia/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ai đang sở hữu các đội bóng ở Việt Nam?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools