Mới đây câu chuyện của vợ chồng anh Khoa chị Liên ở Đống Đa, Hà Nội nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng về quan điểm đầu tư bảo hiểm nhân thọ. Vợ chồng chị đều là nhân viên văn phòng, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 20 triệu, hiện anh chị đã có nhà riêng và 2 em bé đang tuổi tới trường. Mức thu nhập của hai vợ chồng chị cũng gọi là đủ chi tiêu. Hàng tháng trừ mọi chi phí, gia đình chị chỉ để ra được khoảng 3 triệu để tiết kiệm dự phòng.
Năm 2016, chồng một người bạn thân của mình bị ốm nằm viện, chi phí tiền phòng, thuốc thang điều trị rất tốn kém chị liền nghĩ tới tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Sau khi tìm hiểu qua về bảo hiểm nhân thọ đồng thời được 1 nhân viên tư vấn bảo hiểm tư vấn về những quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm, chị Liên quyết định mua 2 gói bảo hiểm cho cả gia đình. Hợp đồng bảo hiểm của chị trị giá gần 14 triệu, của anh Khoa là 24 triệu. Mỗi hợp đồng kèm theo một thẻ y tế cho 1 con, tổng cộng một năm 39 triệu, tương ứng xấp xỉ 20% thu nhập của vợ chồng chị. Tuy nhiên mới theo được 5 năm nhưng đôi vợ chồng trẻ này đã thấy nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khiến họ vướng vào thế bí: bỏ thì tiếc, theo thì khổ.
Tình huống khó xử của gia đình chị Liên cũng dễ gặp với những ai chưa tìm hiểu kỹ về bảo hiểm nhân thọ. Thực tế đây là loại hình đầu tư không phải dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho những người thực sự có nhu cầu. Những nhu cầu này bao gồm: Nhu cầu chăm lo sức khỏe cho bản thân và những người thân, Nhu cầu tiết kiệm tiền trung và dài hạn, Nhu cầu đảm bảo kế hoạch tài chính cho tương lai, Nhu cầu bảo hiểm rủi ro kết hợp đầu tư sinh lời với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư liên kết chung và liên kết đơn vị.
Để tránh rơi vào tình huống khó xử như chị Liên, các chuyên gia bảo hiểm đều đưa ra lời khuyên người đầu tư cần chuẩn bị một số thứ trước khi xuống tiền. Bao gồm những điều cơ bản sau:
1. Hiểu rõ vì sao mình cần mua bảo hiểm nhân thọ
Sản phẩm BHNT rất phong phú với nhiều lợi ích khác nhau. Vì vậy, để chọn lựa được sản phẩm phù hợp, bạn cần hiểu rõ nhu cầu nào cần được ưu tiên. Ví dụ: nếu bạn chú trọng đến nhu cầu đầu tư, tích lũy sinh lời thì bạn nên chọn các gói bảo hiểm liên kết đầu tư; hay người nào làm việc trong môi trường rủi ro cao thì nên chọn các gói sản phẩm tử kỳ…
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mục tiêu chính của bảo hiểm là bảo vệ, vì thế khoản lãi tiết kiệm của BHNT không thể so sánh với lãi suất ngân hàng.
Bên cạnh đó, bạn cần xác định rõ đối tượng cần được bảo vệ. Thông thường, người ưu tiên được bảo hiểm nên là người giữ vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Khi mọi thứ tốt đẹp, BHNT là quỹ hưu trí để người trụ cột tận hưởng tuổi già an nhàn. Khi xảy ra rủi ro, BHNT sẽ thay người trụ cột bù đắp tài chính cho những người thân yêu.
2. Chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp
Thay vì cố đóng phí theo mức mình mong muốn, bạn nên chọn mức phí tùy theo khả năng tài chính và tình hình thu nhập. Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn tài chính, người trụ cột trong gia đình nên được bảo hiểm với số tiền khoảng 10 lần thu nhập hằng năm của người đó.
Nếu thu nhập của bạn không ổn định, bạn nên chọn các sản phẩm BHNT cho phép linh hoạt phí đóng (tăng/giảm phí đóng hằng năm). Còn nếu có thu nhập ổn định thì bạn nên quan tâm tới mệnh giá bảo vệ của gói bảo hiểm.
3. Chọn công ty bảo hiểm uy tín
Thông thường, một hợp đồng BHNT sẽ kéo dài ít nhất trên 10 năm, đó là chưa kể đến những giải pháp bảo vệ bạn và gia đình đến trọn đời. Do vậy, một yếu tố mà bạn cần lưu ý là nên chọn sản phẩm từ một công ty bảo hiểm có uy tín, lịch sử lâu đời và tiềm lực kinh tế vững mạnh.
4. Kê khai trung thực
Hãy kê khai thông tin cá nhân, đặc biệt là tình trạng sức khỏe một cách trung thực. Vì khi phát hiện bạn không nói sự thật, công ty BHNT có quyền từ chối chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
5. Tránh giao mọi việc cho đại lý/tư vấn viên
Bạn ký hợp đồng bảo hiểm với công ty và chính công ty đó sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho bạn. Đại lý bảo hiểm/nhân viên tư vấn chỉ là người giúp bạn hiểu rõ nhu cầu, hoàn thành thủ tục chứ không thể thay bạn làm hết mọi thứ, đặc biệt là những thủ tục quan trọng như kê khai tình trạng sức khỏe. Chính vì vậy, bạn không nên giao khoán mọi việc cho đại lý/nhân viên tư vấn, dù đó là bạn bè, người thân. Vì quyền lợi của chính mình, bạn nên tự kiểm tra hợp đồng, chú ý các điều khoản quy định phạm vi bảo hiểm, những trường hợp loại trừ và theo dõi từng kỳ đóng phí.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị