Tác giả Phã Nguyện (bìa trái) đang chia sẻ về mối duyên đưa anh đến với Văn học Tuổi 20 - Ảnh: L. ĐIỀN
Theo nguyên tắc hiển danh áp dụng từ Văn học Tuổi 20 lần 6, Nhà xuất bản Trẻ chọn ra từ các tác phẩm dự giải những bản thảo nào đạt chất lượng, sẽ xuất bản để phục vụ bạn đọc. Cùng với đó là việc hình thành Tủ sách Văn học Tuổi 20, tập hợp các tác phẩm dự giải thưởng Văn học Tuổi 20 được Ban tổ chức giải và nhà xuất bản đánh giá là có chỗ đứng trong thị trường văn chương.
Ban giám khảo các vòng sơ khảo và chung khảo của Văn học Tuổi 20 chấm giải công khai, với việc tác phẩm được "tìm thấy và xuất bản" được xem như là một kênh tham khảo.
Kẻ săn chuột là tác phẩm đầu tay của Phã Nguyện - một anh chàng tuổi 9X đang bán quán cà phê ở Q8, TP.HCM. Kẻ săn chuột đưa người đọc đến với bọn trẻ con ở "xóm đèn dầu" - một khu ổ chuột với nhiều cảnh đời cơ cực.
Điểm đặc biệt của tác phẩm này là xây dựng 2 góc nhìn chính: bọn trẻ là "người trong cuộc" ở khu đó, và 1 thanh niên 30 tuổi phát triển không bình thường, không có khả năng hòa nhập với cộng đồng, bị coi là yếu thế, người thanh niên nhìn cuộc đời và nhìn bọn trẻ bất hạnh kia...
Phã Nguyện tâm sự rằng anh từng giúp một người khi gặp sự cố, anh đã lặng người đến không ngờ, và sau này bị ám ảnh mãi về trạng thái cảm xúc lúc đó. Nó trở thành chất xúc tác để Phã Nguyện viết truyện dài Kẻ săn chuột.
Cùng với truyện dài Kẻ săn chuột của Phã Nguyện, còn có 2 tập truyện ngắn của 2 tác giả được "tìm thấy" trong đợt này: Bí mật của bóng tối (Đinh Thành Trung), Lũ chim thích chọn cành khô (Mai Thanh Nga).
Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga - đang sống và làm việc ở Anh quốc - là những không gian sống của người Việt và bè bạn ở nhiều nơi trên thế giới, ý tưởng dồi dào cộng với những tình huống sinh động mà tác giả chính là một phần của các tình tiết khiến cho những câu chuyện có sức tươi mới riêng.
Với Bí mật của bóng tối, Đinh Thành Trung chắt lọc những vấn đề của giới trẻ đang đối diện. Đó có thể là sự thèm khát sức mạnh khiến đứa con trai duy nhất của ông bố già dấn bước vào cầm đầu băng nhóm giang hồ, hỗn chiến và để lại nỗi đau cho người cha già khắc khổ.
Những trang văn viết về nỗi đau đang sống động từ đời thực, nhân vật ở đây mang những định danh mới: anh em xã hội, người bố xã hội, và kèm theo đó là cái xấu cái ác "phi truyền thống" được tác giả lột tả bằng cách viết điềm tĩnh.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần thứ 7 cũng thông báo kéo dài thời hạn nhận bản thảo dự giải đến 30-10-2021 (thông báo trước đây hạn cuối là 30-5-2021). Đến nay Ban tổ chức đã nhận 241 tác phẩm.
Cuộc Vận động sáng tác Văn học Tuổi 20 khởi đầu từ năm 1995 với ban tổ chức gồm 3 bên: Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ; sau lần thứ 6 (trao giải năm 2019), hai đơn vị Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ không còn đồng hành, Nhà xuất bản Trẻ chuyển cuộc vận động sáng tác này thành một giải thưởng, do đơn vị này tiếp tục duy trì.
Theo ông Dương Thành Truyền - quyền giám đốc Nhà xuất bảnTrẻ - đến nay Văn học Tuổi 20 vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép: phát hiện và nuôi dưỡng những cây bút trẻ mới; đồng thời đây chính là cuộc trò chuyện về các vấn đề của những người trẻ hôm nay, điều này chào đón cả những cây bút lớn tuổi.
TTO - Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 vừa khép lại với lễ trao giải vào ngày 23-12. Nhìn lại mùa giải này với những tín hiệu cần ghi nhận, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn Phan Hồn Nhiên - thành viên ban giám khảo cuộc thi.