Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân - Ảnh: TRẦN NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 1271 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12,1 nghìn tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.
Theo nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vắc xin phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện chiến lược vắc xin của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong sáng nay 18-5, các bộ, ngành liên quan đã cho ý kiến, thống nhất đề xuất mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer trong quý 2-2021.
Trong đề xuất vừa gửi Thủ tướng, Bộ Y tế cho biết để có được 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021, bộ đang nỗ lực đẩy nhanh đàm phán mua vắc xin Pfizer.
Nếu thuận lợi, trong năm nay Việt Nam sẽ có thêm khoảng 31 triệu liều vắc xin Pfizer, ngoài nguồn của COVAX Facility 110 triệu liều, Công ty CP Vacxin Việt Nam đã ký hợp đồng mua 30 triệu liều, các chương trình viện trợ khác 2 triệu liều.
Theo kết quả đàm phán của Bộ Y tế, nhà sản xuất vắc xin Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin, trong đó 15,5 triệu liều cung cấp trong quý 3-2021 và nửa còn lại cung cấp trong quý 4-2021.
Phân bổ gần 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho các tỉnh, thành
Bộ Y tế cho biết số vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca do chương trình COVAX Facility vừa hỗ trợ sẽ được phân bổ cho các tỉnh, thành trong cả nước và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 là loại vaccine AstraZeneca do Chương trình COVAX Facility hỗ trợ cho các địa phương.
Theo đó, lượng vắc xin này sẽ được phân bổ theo ba kênh gồm các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, lực lượng quân đội, công an; các viện, bệnh viện, trường đại học... và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế còn lại qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Trong đó, các tỉnh thành trong cả nước sẽ nhận được tổng số 1,432 triệu liều vắc xin AstraZeneca, lực lượng công an nhận được 50 ngàn liều và lực lượng quân đội nhận được 89 ngàn liều.
Bộ Y tế cho biết dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, là đơn vị thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển vắc xin tới Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia khu vực để phân bổ ngay tới các địa phương, đơn vị.
"Đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin mũi 1 thì triển khai tiêm mũi 2 sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1. Các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay khi nhận được vắc xin và hoàn thành trước ngày 15-8-2021.".
Đối với các đơn vị, địa phương được phân bổ vaccine trong đợt này, Bộ Y tế yêu cầu sau khi tiếp nhận số vắc xin được phân bổ từ Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia về tổ chức tiêm cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình, nếu không sử dụng hết vắc xin thì phối hợp với dự án chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.
TTO - Với chi phí mua, vận chuyển, bảo quản... và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cả nước lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, việc thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19 để kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp và người dân là cần thiết.