Phần vì tránh cảnh đông đúc tại các siêu thị ngày cuối tuần, phần lo ngại khu vực phong tỏa có thể bị mở rộng, sáng 21/5, người dân ở một số khu vực của TPHCM tranh thủ đến siêu thị mua các mặt hàng thiết yếu.
Những mặt hàng được mua nhiều là dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, mì gói, phở gói, sữa, giấy vệ sinh... |
Tại các quầy thực phẩm tươi sống, khách hàng chọn mua thịt cũng nhiều hơn so với bình thường. |
Chị Thu Nga (35 tuổi, ở đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp) cho biết chị tranh thủ mua thịt nhiều hơn, bảo quản ở ngăn đông dùng dần để không phải đi mua nhiều lần. |
Một khách hàng mua rất nhiều sữa. |
Hầu hết khách đều chất các mặt hàng nhu yếu phẩm đầy xe. |
Nhiều khách đặt mua hàng qua điện thoại, khu vực giao nhận hàng tận nhà của siêu thị cũng có một số xe hàng đầy ắp đang chờ. |
Hàng được "chêm" liên tục để phục vụ khách mua.
Cả nhân viên và khách hàng tại siêu thị đều thực hiện tốt biện pháp phòng dịch: bảo vệ đo thân nhiệt cho khách, khách đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; nhân viên thu ngân đeo khẩu trang, găng tay, nón chống văng dịch; khách giữ khoảng cách khi tính tiền... |
Hơn 12g trưa, quầy thức ăn nhanh ở siêu thị Emart Q.Gò Vấp khá đông khách. |
Khu vực thực phẩm tươi sống của siêu thị này cũng khá đông người mua. |
Nhiều người cho biết, do có nhu cầu nên mua về sử dụng, hơn nữa tranh thủ mua vì sợ các ngày thứ bảy và chủ nhật sẽ đông khách. |
Một số người cho rằng, mua hàng vào các ngày trong tuần tránh được tình trạng đông đúc chen lấn, có thể chọn lựa hàng hóa dễ dàng hơn. |
So với các thời điểm cuối tuần trước khi có dịch, lượng khách tại Emart vẫn vắng chứ không đông. |
Các khách hàng thực hiện tốt nguyên tắc phòng chống dịch: đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào siêu thị. |
Tại các cửa hàng tiện lợi Vinmart, Satra, Bách Hóa Xanh... trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp cũng không có tình trạng gom hàng. Các giao dịch mua - bán vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống đến nhu yếu phẩm đều đầy ắp trên kệ. |
Đại siêu thị Co.op Extra trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức), khá vắng khách. |
Lượng khách tại siêu thị này chỉ lác đác vài người. |
Khách hàng chỉ mua thực phẩm thường ngày, không có tình trạng gom hàng dự trữ. |
Tại các quầy hàng thực phẩm tươi sống, lượng hàng vẫn còn rất nhiều. |
Nhiều khách đến đây chọn mua rau củ quả phục vụ bữa ăn hàng ngày. |
Quầy hàng sữa không có khách mua. |
Một gia đình đưa con đi siêu thị mua thực phẩm, anh chị cho biết chỉ lựa chọn theo nhu cầu gia đình. |
Quầy tính tiền vắng khách. |
Tại siêu thị Big C Tân Phú, khách đến mua hàng thưa thớt hơn so với trước thời điểm dịch bùng phát trở lại. |
Quầy tính tiền tại tầng thực phẩm chỉ lác đác vài khách. |
Quầy tính tiền tại tầng quần áo, nhu yếu phẩm hoàn toàn vắng khách. |
Bình thường bãi xe ở siêu thị LotteMart Cộng Hòa luôn đông đến mức không còn chỗ đậu nhưng hiện tại khá thưa thớt. Lượng khách đến siêu thị này khá ít. |
Một số khách mua rau, củ, trái cây cho biết chỉ mua vừa đủ ăn, không dự trữ. "Đây là đợt dịch lần thứ 4, chúng tôi cũng đã quen, lượng hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng luôn dồi dào, không việc gì phải gom hàng dự trữ" - chị Ngọc, một khách mua tại siêu thị này cho biết. |
Một số gian hàng sữa, thực phẩm khô... hoàn toàn vắng lặng. Tại khu vực ẩm thực, bình thường khách rất đông nhưng nay chỉ có vài khách ngồi nghỉ chân trong lúc chờ người thân tính tiền. |
Các quầy tính tiền cũng chỉ có vài khách. |
Trước đó, trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trần Trí Dũng - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM - cho biết lượng hàng trong chương trình bình ổn thị trường của thành phố được tính toán dựa trên nhu cầu tiêu thụ của người dân. Không như mọi năm, chương trình hàng bình ổn giá tập trung vào lễ, tết, năm nay, Sở xác định chương trình sẽ gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong cả năm. Do đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng.
Theo đó, năng lực cung ứng khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) ra thị trường là 65,65 triệu cái/quý, nước rửa tay sát khuẩn 4,52 triệu chai (1,7 triệu lít)/quý. Nguồn cung 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng được đảm bảo trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô), đường RE - RS, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị…
Ông Trần Trí Dũng khẳng định, Sở sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát để doanh nghiệp luôn sẵn sàng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định. Sở cũng sẽ theo dõi thị trường, làm việc với các hệ thống phân phối, nắm bắt các biến động (nếu có) để có giải pháp kịp thời. Riêng ở những khu vực cách ly, phong tỏa, các địa phương đã tổ chức rất tốt việc cung ứng hàng hóa cho người dân.
Nguyễn Cẩm - Quốc Thái - Thanh Hoa