Tiền thân là những doanh nghiệp nhà nước với lịch sử hoạt động hàng chục năm, những doanh nghiệp như kem đánh răng Dạ Lan, xá xị Chương Dương, giày Thượng Đình…đã trở thành những thương hiệu "vang bóng một thời" và được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập với thế giới, kèm theo đó là tác động nặng nền của đại dịch Covid-19, không ít tên tuổi dần rơi vào quên lãng hoặc bị thâu tóm.
Tuy nhiên, với uy tín thương hiệu và sự hoài cổ của người tiêu dùng, một số thương hiệu hàng chục năm tuổi vẫn đang quyết tâm tái cấu trúc, vực dậy tên tuổi của mình và thăng hoa ngay trong thời kỳ dịch bệnh như Pin Con Thỏ, Rạng Đông, Bông Bạch Tuyết, Miliket, Khóa Việt Tiệp...
Bông Bạch Tuyết: Đi để trở về
Bông Bạch Tuyết (BBT) từng là thương hiệu Việt đình đám một thời khi chiếm tới 90% thị phần bông y tế, nhưng cái tên này dần bị lu mờ bởi kết quả kinh doanh thua lỗ trong quá khứ và phải rời sàn chứng khoán từ 2009.
Sau gần thập kỷ, Bông Bạch Tuyết đã có những thay đổi lớn và đặt bước chân quay về sàn chứng khoán vào năm 2018 cùng vị thế mới.
Kết quả kinh doanh năm 2020 đều tăng trưởng các chỉ tiêu chính đều hai chữ số. Theo đó, doanh thu năm 2020 đạt hơn 155 tỷ đồng, tăng trưởng gần 33% so với năm 2019. Lãi sau thuế thu về vượt chỉ tiêu hơn 68% và tăng trưởng mạnh 47% so với cùng kỳ năm trước lên mức 25,6 tỷ đồng.
Cuộc cách mạng công nghệ toàn diện tại Việt Tiệp và Rạng Đông
Sau hàng chục thập kỷ hoạt động, CTCP Khóa Việt – Tiệp và CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã có những thay đổi lớn về mặt ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó giữ vững vị thế trên thị trường hiện tại.
Với Khóa Việt Tiệp, trong thời kỳ hoàng kim đã từng chiếm khoảng 70% thị trường khóa trong nước. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Tiệp đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh các thương hiệu từ nội địa và cả nước ngoài. Tuy nhiên với tư duy mới của ban lãnh đạo công ty là đối mặt với cạnh tranh đã đưa thương hiệu khóa Việt Tiệp đứng vững và tiến lên mạnh mẽ.
Doanh thu trong năm 2020 đạt hơn 960 tỉ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi sau thuế thu được tăng ấn tượng 45,3% so với năm trước, ở mức 43,4 tỷ đồng. Tổng sản phẩm sản xuất trong năm đạt 20,69 triệu sản phẩm, hoàn thành 100,9% kế hoạch.
Giữa kỷ nguyên công nghệ số, bên cạnh các sản phẩm khóa truyền thống, công ty đã đầu tư phát triển hàng loạt các sản phẩm khóa điện tử thông minh. Bên cạnh đó, Việt Tiệp triển khai truyền thông thông qua mạng xã hội nhằm hỗ trợ khách hàng tốt nhất.
Tương tự với Rạng Đông (MCK: RAL), trong 60 năm hoạt động, bóng đèn, phích nước Rạng Đông từng phải đối diện với làn sóng hàng Liên Xô, Trung Quốc giá rẻ đổ vào ồ ạt, kết quả sản xuất kinh doanh của Rạng Đông theo đó đã sụt giảm nghiêm trọng.
Bằng việc nâng cao số lượng cũng chất lượng sản phẩm thông qua thay thế những dây chuyền sản xuất công nghệ mới, Rạng Đông dần lấy lại được thị phần. Không những vậy, công ty cũng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hệ sinh thái LED 4.0 và được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.
Mới đây, Rạng Đông đã được Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc chấp thuận dự án đầu tư Nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tích hợp hệ sinh thái chiếu sáng LED xanh, thông minh với tổng giá trị đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Rạng Đông tăng hơn 15%, đạt 4.922 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt hơn 336 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2019 và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.
Mì Miliket sống tốt nhờ thị trường ngách
Mì hai tôm Miliket từng có một thời hoàng kim với hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau trên bao bì giấy của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (Mã: CMN).
Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn như Masan, Vina Acecook, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, chứ không bán rộng khắp. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống tốt trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình.
Năm 2020, Colusa – Miliket công bố doanh thu bán hàng đạt 614 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2019. Trung bình mỗi ngày, chủ sở hữu thương hiệu mì gói Miliket lãi 61 triệu đồng.
Đáng chú ý, doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2020 tăng 23% lên mức 49 tỷ đồng. Điều này cho thấy Miliket đã bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khi thị trường nội địa quá khốc liệt với đối thủ lắm tiền nhiều của.
Pin Con Thỏ sống khỏe nhờ thị trường xuất khẩu
Mặt hàng "công nghệ cao" gắn với hình ảnh hai con thỏ của CTCP Pin Hà Nội (MCK: PHN) từng được xếp vào danh sách các sản phẩm "huyền thoại thời bao cấp". Ngày nay, nhu cầu của xã hội dần chuyển qua các sản phẩm thay thế như pin sạc, pin ngoại, bất ngờ là việc pin Con Thỏ vẫn không đánh mất thị trường của mình.
Cụ thể, năm 2020, doanh thu đạt hơn 357 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 40 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4,5% và 88% so với năm trước. Năm 2020 cũng được ghi nhận là năm có lợi nhuận lớn nhất của Pin Hà Nội từ trước tới nay.
Nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động của Pin Con Thỏ vẫn đến từ việc hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với đại dịch Covid-19. Theo đó, giá kẽm và mangan điện giải giảm khiến giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, đóng góp lớn vào doanh thu còn đến từ hoạt động xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ từ cổ đông lớn là tập đoàn GP.
Riêng trong quý 1/2021, Pin Con Thỏ đã có doanh thu 90,35 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 9,8 tỷ đồng, so với kế hoạch đề ra năm 2021 đã hoàn thành lần lượt 23,7% chỉ tiêu doanh thu và 28,5% chỉ tiêu lãi trước thuế.
Những điều đó cho thấy Pin Con Thỏ cùng với nhiều thương hiệu hàng chục năm tuổi khác đã và đang có những hướng đi phù hợp với cuộc chơi mới kinh tế thị trường, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng để dần vươn lên lấy lại tên tuổi đã từng có.
Phương Linh
Doanh nghiệp và Tiếp thị