Chị Lê Mỹ Nga là một ‘Bà đỡ’ quen mặt của giới khởi nghiệp Việt, ngoài đại diện cho quỹ LondonTower Capital; chị còn là founder – CEO của Hermes Managenment. Hermes Managenment là công ty chuyên về cố vấn và đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp công nghệ, đặc biệt là các dự án về y tế, giáo dục và nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT. Cố vấn chuẩn hóa các sản phẩm khởi nghiệp công nghệ theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Chị Nga cũng là nhân vật quen mặt trên ghế Giám khảo các chương trình khởi nghiệp Hult Prize, Techfest; đồng thời cố vấn tại các vườn ươm khởi nghiệp WSAFE, SongHan Incubator, DNES, BESTB, SVF và nhiều trường đại học tại TP. HCM.
Ngoài ra, sau nhiều năm phục vụ cho nhiều tập đoàn nước ngoài trong mảng năng lượng, chị là Trưởng đại diện, Giám sát và Phát triển thị trường Việt Nam của Tập đoàn ABS Group - tổ chức Chứng nhận và Kiểm định Kỹ thuật toàn cầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực Công nghiệp nặng, Hàng hải và Năng lượng.
Nhân dịp chị ra mắt cuốn "Chat với Startups", chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng chị về cơ duyên từ chuyên gia năng lượng trở thành ‘Bà đỡ’ cho giới khởi nghiệp Việt.
Cơ duyên nào đưa chị đến với sự nghiệp làm ‘Bà đỡ’ cho các startup Việt?
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhiều công nghệ mới đang bùng nổ, thế giới đang phát triển theo từng giây từng phút và thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người trên toàn cầu; startup được ví như những luồng gió mới, ‘thổi bùng’ vào sự thay đổi và phát triển đó.
Các startup được hình thành từ thế hệ doanh nhân trí thức trẻ, được trang bị kiến thức hiện đại, có óc sáng tạo, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giải pháp đột phá cho thị trường và là niềm hy vọng tăng trưởng kinh tế cho bất kỳ quốc gia nào.
Với sự xuất hiện của rất nhiều startup Việt tiềm năng, giấc mơ một Việt nam vươn lên, sánh vai với các cường quốc trở nên gần hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng đây là thời cơ ngàn năm có một của Việt Nam, vì chúng ta đã lỡ nhịp ở các cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, 3.0.
Chị Lê Mỹ Nga là cố vấn của TechFest năm 2020.
Ngoài ra, chiến lược ‘Quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ’ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh quốc gia trong thập niên tới. Nếu chúng ta làm tốt!
Nếu Chính phủ có chiến lược tầm nhìn đúng đắn về phát triển, thúc đẩy và hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ; thay đổi tư duy, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ngay từ bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể tin chúng ta sẽ có thêm nhiều kỳ lân công nghệ như VNPay, VNG. Việc chỉ mới có 2 ‘kỳ lân’ là một thành tựu quá khiêm tốn cho quốc gia có chiến lược trở thành ‘quốc gia khởi nghiệp’.
Và tôi cũng có ước mơ mãnh liệt góp phần nhỏ bé của mình vào bức tranh tương lai sáng sủa đó của đất nước chúng ta.
Nếu nhìn lại hành trình của mình, chị nghĩ đóng góp lớn nhất của mình cho giới khởi nghiệp Việt là gì?
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngành dầu khí và hàng hải, tôi chứng kiến và tư vấn công nghệ - bao gồm cả các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các phần mềm tính toán rủi ro cho hệ thống công nghệ các công trình dầu khí đã được áp dụng từ nhiều năm trước; các tiêu chuẩn quản trị chất lượng kỹ thuật cao nhất của thế giới được áp dụng cho các công trình dầu khí ngoài khơi và đất liền.
Theo đó, tôi nhận thấy: các dự án khởi nghiệp của chúng ta đa phần được khởi xướng bởi các bạn rất trẻ, thường họ chưa tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thị trường trước khi thiết kế sản phẩm, nên thỉnh thoảng cho ra đời các sản phẩm mà có thể thế giới đã đi khá xa. Lõi của dự án đầu tiên phải là giải pháp sáng tạo dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, bên cạnh là đội ngũ sáng lập thật sự có khả năng và đủ đam mê.
Bên cạnh đó, nhiều founder còn xem nhẹ việc đăng ký sáng chế và bảo hộ sáng chế tại các nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu,.. ; tạo tiền đề để chúng ta có thể hiên ngang phát triển doanh nghiệp ra khỏi biên giới Việt Nam. Nếu những sáng chế của chúng ta được thế giới bảo hộ - ví dụ như Mỹ, tức chúng ta được chấp nhập; cũng là giúp chúng ta hiểu rằng: giải pháp của mình là mới, chưa được khai thác trên thị trường ở tầm thế giới.
Từ đó, startup có thể tự tin tiếp tục nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp mô hình kinh doanh phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Ngoài ra, theo chị, các bạn trẻ Việt Nam còn gặp thêm thách thức gì khác trong quá trình khởi nghiệp?
Khi khởi nghiệp trong một thế giới luôn biến động, các founder sẽ luôn phải đối mặt với muôn vàn thử thách và thành công là điều không đơn giản .
Để dự án đủ sức thu hút nhà đầu tư hay các quỹ đầu tư mạo hiểm là một thách thức không nhỏ của các founder. Hàng tá câu hỏi được đặt ra bên cạnh việc thiết kế ý tưởng và sản phẩm, khiến các nhà sáng lập dự án luôn phải tự mình đi tìm câu trả lời của nhiều câu hỏi không dễ.
Số lượng dự án gọi vốn thành công quá thấp so với các nước trong khu vực, mặc dù chúng ta có rất nhiều cuộc thi dành cho startup với sự tham dự của các nhà đầu tư quốc tế cũng như rất nhiều chương trình ươm tạo và tăng tốc dành cho khởi nghiệp, cùng với sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thời gian qua.
Vậy làm sao để các startup Việt có thể hạn chế những điểm yếu trên?
Tôi cho rằng, những cá nhân có kinh nghiệm nhiều năm trong tư vấn công nghệ, quản trị dự án, chiến lược kinh doanh... đang công tác ở các tập đoàn đa quốc gia nên dừng lại khi có thể, hoặc dành chút thời gian quay lại hỗ trợ cho thế hệ doanh nhân trẻ, hợp lực giúp các bạn rút ngắn hành trình khởi nghiệp.
Cụ thể, như tạo ra nhiều dự án có ý nghĩa, thúc đẩy kinh tế và cho một Việt Nam vươn vai, ghi tên trên bản đồ thế giới là đất nước công nghệ. Đó là những điều chúng ta nên làm! Tôi cho đây là sứ mệnh mới của mình và nhiều chuyên gia ở các tập đoàn đa quốc gia trong thời đại công nghiệp 4.0 này.
Ở khía cạnh khác, serie sách "Chat với startups" có thể là một cẩm nang giúp các bạn trẻ định hình lại dự án, tìm câu trả lời phù hợp cho dự án cho mình. Giúp các bạn trẻ hiểu đúng về khởi nghiệp, tránh dễ dãi với bản thân, thậm chí đánh mất tuổi xuân. Trong khi, đáng lý ra dành thời gian thanh xuân quý báu đó tham gia thị trường lao động, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trước khi dấn thân khởi nghiệp.
Ngoài ra, nó còn là phương tiện truyền thông chính thống cho cộng đồng hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp một cách đúng đắn.
Từ đó, kêu gọi những doanh nhân thành đạt, có kiến thức, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính tham gia hệ thống cố vấn (mentor) hỗ trợ tư vấn chiến lược, tìm đầu ra cho sản phẩm với hệ thống mạng lưới kinh doanh sẵn có của họ - đặc biệt là tham gia đầu tư ‘thiên thần’ vào dự án, giúp startup có thể cất cánh nhanh chóng.
Cảm ơn chị!
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị