Câu trả lời cho vấn đề này không chỉ đơn giản là câu chuyện cung - cầu.
Nhu cầu mua ô tô sụt giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch nên nhiều hãng xe đã buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản xuất. Trong quý đầu của năm 2020, doanh số ô tô toàn cầu đã sụt giảm 17,7%; trong đó, riêng tháng 3 giảm tới 38,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tất cả các nhà sản xuất ô tô, từ nhỏ tới lớn. Tuy nhiên, khi các lệnh giãn cách xã hội bắt đầu được nới lỏng, doanh số ô tô bắt đầu khởi sắc. Và một vấn đề mới đã xuất hiện.
Vấn đề nằm ở bộ phận nhỏ nhất của một chiếc ô tô: vi mạch. Có vi mạch thì các bộ phận điện tử của ô tô hiện đại mới hoạt động được. Tất cả, từ hệ thống thông tin - giải trí cho đến các bộ điều khiển động cơ (ECU) đều dùng chip bán dẫn.
Nhu cầu mua ô tô tăng lên sau khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng đã khiến các nhà sản xuất phải tăng tốc. Tuy nhiên, giờ đây, các nhà sản xuất chip lại không kịp gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến.
Vì sao? Bởi trong thời kỳ đại dịch, khi nhu cầu mua xe mới sụt giảm, các nhà sản xuất ô tô không cần mua chất bán dẫn vì đang phải cắt giảm sản lượng. Nhu cầu chip bán dẫn của toàn ngành ô tô giảm xuống. Các nhà sản xuất chip do đó phải chuyển sang phục vụ các ngành khác, trong đó có ngành điện tiêu dùng.
Nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, do mọi người phải ở nhà và muốn mua các sản phẩm như TV, máy tính xách tay, điện thoại, máy chơi game… Và lúc này, các nhà sản xuất ô tô rơi xuống cuối danh sách ưu tiên.
Kênh CNBC bổ sung một lý do khác: các vi mạch dùng cho ô tô không mang lại lợi nhuận cao nhất cho nhà sản xuất. Do đó, ưu tiên của các nhà sản xuất chip không phải là cung cấp cho các hãng xe.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là một bất ngờ đối với ngành công nghiệp ô tô, vì trong quá khứ họ cũng từng chứng kiến tình trạng thiếu chip. Một số nhà sản xuất đã dự đoán được nguy cơ thiếu chip, và một số đã quyết định chủ động việc sản xuất vi mạch.
Trong bối cảnh đó, những nhà sản xuất ô tô có nhà máy sản xuất chip lại có lợi thế trong việc thúc đẩy doanh số. Người mua xe chấp nhận trả cao hơn để được nhận xe sớm, thay vì mua xe đúng giá nhưng phải chờ đợi. Tình trạng thiếu chip bán dẫn khiến nhiều người nghi ngờ về độ nhạy của ngành ô tô và không biết liệu các nhà sản xuất ô tô có thức thời không. Một số chuyên gia cho rằng, câu trả lời là có. Ví dụ, hãng Bosch sẽ mở một nhà máy ở Dresden (Đức) để đáp ứng một phần nhu cầu chip bán dẫn của các hãng xe. Đây có thể là một ví dụ thúc đẩy nhiều nhà sản xuất khác tham gia vào cuộc chơi.
Tuy nhiên, sẽ không thể sớm có lời giải cho vấn đề này. Các hãng xe đang tập trung vào sản xuất các loại chip mà họ cần, thay vì sản xuất chip đại trà cho nhu cầu chung của ngành ô tô. Bởi vậy, các loại xe giá rẻ sẽ chịu tác động lớn nhất từ tình trạng khan hiếm chip bán dẫn.
GM mới đây dự báo tình trạng thiếu chip trong sản xuất có thể gây thiệt hại từ 1,5 tỷ USD đến 2 tỷ USD cho hãng trong khi hãng Ford và Stellantis đều dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài đến năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44503156022501202-nad-nab-pihc-taux-nas-ahn-cac-av-ot-o-hnagn-auig-tab-ioud-ort/et-hnik/nv.vtv