Hơn 1 năm kể từ khi đại dịch đưa New York - thành phố nổi tiếng sôi động của nước Mỹ - chìm vào giấc ngủ sâu. Và nay, sự sôi động ấy đã trở lại, khi thành phố rùng mình thức giấc sau cơn ác mộng Covid-19 đày đọa họ trong thời gian rất dài.
Bắt đầu từ ngày 19/5, mọi công dân được tiêm chủng tại New York không còn phải đeo khẩu trang bắt buộc nữa. Nhà hàng, cửa hiệu, phòng tập và vô số các ngành nghề khác đều được hoạt động trở lại với công suất tối đa, chỉ cần đảm bảo rằng mọi khách hàng của họ đều đã được tiêm phòng.
Trang bìa tạp chí The New Yorker
Hệ thống tàu điện ngầm cũng bắt đầu vận hành 24/24. Lệnh giới nghiêm cho các quán bar, nhà hàng cũng sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 5. Nhà hát Broadway bắt đầu bán vé, dù các show diễn phải đến tháng 9 mới bắt đầu tổ chức.
Giới chức nhận định, đây là thời khắc New York rũ bỏ hình ảnh cam chịu trước virus kể từ mùa xuân năm ngoái. Sự phục hồi đầy phấn khởi này được khắc họa rất rõ qua trang bìa của tạp chí The New Yorker - về một cánh cửa hé mở, hướng về phía thành phố bừng sáng.
Cùng với đó là những ý kiến trái chiều. "Có lẽ là 75%. Thành phố này đang bừng sức sống trở lại" - Mark Kumar, huấn luyện viên thể hình 24 tuổi hào hứng nói. Còn Ameen Deen (63 tuổi) lại tỏ ra ái ngại: "Cảm giác bình thường sẽ chưa trở lại ngay. Đã có quá nhiều người chết, quá nhiều đau thương, quá nhiều bất công".
Cơn ác mộng dài đã chấm dứt
Mùa xuân năm 2020, New York là tâm dịch của nước Mỹ, là một trong số những nơi chết chóc nhất với 21.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 2 tháng. Trong đó, người Mỹ da màu và Mỹ gốc Latin chết với tỉ lệ cao hơn rất nhiều.
Các bệnh viện nghẹt cứng bệnh nhân và thi thể. Xe đông lạnh trở thành nhà xác tạm thời, trong khi lều được dựng lên ngay trong công viên để làm bệnh viện dã chiến chống Covid-19. Những con phố sầm uất ngày nào trở nên tĩnh lặng, nhường chỗ cho tiếng còi hụ từ xe cứu thương, và những tiếng vỗ tay mỗi đêm từ cửa sổ để cổ vũ cho nhân viên y tế.
Thành phố sầm uất trở nên tĩnh lặng vào năm 2020
Một năm thăng trầm, đóng cửa rồi lại mở cửa, New York đang hy vọng rằng vaccine sẽ mang đến cho họ sự đổi khác. Ở thời điểm hiện tại, 48% người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Số người tử vong chỉ còn khoảng hơn 20 ca/ngày trong những tuần gần nhất. Số ca nhiễm mới và nhập viện thì giảm xuống một cách đáng mừng.
Nhiều nơi khác cũng đang cho thấy tín hiệu tích cực sau cơn khủng hoảng khiến 3,4 triệu người chết trên toàn cầu - bao gồm gần 600.000 người chết tại Mỹ. Las Vegas bắt đầu mở lại sòng bài với quy mô phục vụ tối đa, không yêu cầu giãn cách xã hội. Disneyland ở California hoạt động trở lại sau hơn 400 ngày đóng cửa. Bang Massachusetts thông báo toàn bộ các quy định hạn chế vì virus sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng.
Các lễ hội âm nhạc mùa hè - như Lollapalooza cũng khởi động trở lại. Giải đua xe Indy 500 chuẩn bị tiếp đón 100.000 người hâm mộ. Chính phủ xác nhận người trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần đeo khẩu trang nữa. Thống đốc Bill de Blasio thẳng thừng tuyên bố về "một mùa hè rực rỡ của New York".
Một quán bar tại Manhattan ngày 17/5
Quy định về khẩu trang được nới lỏng, cũng là lúc các ngành nghề áp dụng những quy định khác nhau để xác định ai là người đã tiêm chủng, ai chưa. Như trung tâm thể hình SLT dự tính sẽ kiểm tra thẻ tiêm vaccine từ ngày 20/5 để quyết định khách hàng nào sẽ được tập mà không đeo khẩu trang.
Trên đường phố, nhiều người bắt đầu đi lại một cách thoải mái, không đeo khẩu trang. Số khác vẫn cẩn trọng đeo một chiếc, vì đại dịch dẫu sao vẫn chưa chấm dứt. Như Jumaane Williams - một nhà vận động công cộng, ông vẫn thúc giục mọi người nên đeo khẩu trang, ít nhất là ở trong môi trường kín.
"Chúng ta sẽ không muốn để những người chưa được tiêm vào tình cảnh bị phân biệt, hoặc gặp áp lực khi không đeo khẩu trang" - ông cho biết.
Rất nhiều tín hiệu cho thấy New York đã sôi động trở lại. 80.000 công chức của thành phố trở lại làm việc sau một thời gian dài ở nhà. Một số làm bán thời gian, số khác làm việc như bình thường trước dịch. Phương tiện công cộng đón lượng khách chiếm 40% công suất - so với 10% vào mùa xuân năm ngoái.
Shakeem Brown, một nghệ sĩ kiêm nhân viên giao hàng 26 tuổi làm việc tại Manhattan từng phải mất 3h mỗi đêm để trở về căn hộ của mình, trước khi các phương tiện công cộng hoạt động trở lại. Người nghệ sĩ trẻ hiện đang cảm thấy rất vui sướng khi thấy mọi thứ dần trở lại bình thường.
"Chúng tôi thấy tràn đầy năng lượng" - Erin Bellard, đồng sở hữu quán bar e’s Bar tại Manhattan. "Mọi người đều phấn khích khi được ra ngoài".
Dẫu vậy, doanh thu tại quán cũng giảm đi 35% bởi quy định giới hạn về số giờ và công suất hoạt động. Bellard cho biết, việc giờ giới nghiêm được dỡ bỏ cũng có nghĩa quán của cô có thêm 2h vận hành nữa, đồng thời chia sẻ về kế hoạch hoạt động hết công suất đối với khách hàng đã được tiêm chủng.
Nỗi sợ vô hình
Sự ái ngại vẫn còn ở nhiều khu vực. Vỉa hè và khu vực nhà chọc trời tại Manhattan vẫn còn rất vắng vẻ. Các công ty lớn chưa có ý định cho nhân viên quay trở lại cho đến mùa thu năm nay, và đó là nếu họ cảm thấy đủ an toàn - theo như CEO của tập đoàn Partnership, bà Kathryn Wylde.
"Đóng cửa thì dễ. Mở lại mới khó" - bà cho biết. "Các nhân viên vẫn cảm thấy sợ hãi và ngần ngại quay lại".
Ngoài nỗi sợ về virus, các công ty và công nhân viên còn cảm thấy thiếu an toàn. Trong đại dịch, tội phạm của thành phố đã gia tăng đến mức đáng ngại, tạo ra một bức tranh khó lường. Giết người, xả súng, trộm cắp... đã gia tăng trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019. Bù lại, lượng cướp giật và móc túi giảm xuống, một phần là vì không có nhiều hành khách trên các phương tiện công cộng.
Brandon Goldgrub trở lại văn phòng từ tháng 7 năm ngoái. Nhưng chỉ mới gần đây thôi, anh mới cảm thấy các con phố dần đông đúc trở lại.
"Giờ tôi cảm thấy mọi thứ rất bình thường" - Goldgrub, quản lý bất động sản cho biết.
Tới từ Tallahassee (Florida), Jessica Souva nhìn quanh khu trung tâm và cảm thấy hy vọng ngập tràn tại thành phố cô từng sinh sống.
"Từ những nơi khác, chúng tôi chỉ nghe thấy việc New York đã trở thành một thành phố ma, nhưng giờ không còn giống vậy nữa" - Souva cho biết. "Thành phố đã chuyển mình".
Nguồn: AP
JD
Pháp luật và bạn đọc