Cán bộ địa phương trao đổi tại chợ Phú Nhuận, TP.HCM sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm người dân sáng 21-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh khá "nóng bỏng" khi liên tục ghi nhận 6 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại các quận 3, 7, Gò Vấp và TP Thủ Đức sau hơn 3 tháng "sạch COVID-19".
Trong đó, theo ông Nguyễn Thành Phong, 4 ca nhiễm mới nhất (quận 3 và Gò Vấp) đều ở các gia đình kinh doanh quán ăn, bán cơm và bánh canh, vốn là nơi tiếp xúc nhiều người.
"Thần tốc" xét nghiệm
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay khi các ca nhiễm liên tục được phát hiện, ngành y tế tích cực phối hợp với các địa phương khẩn trương khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Trong đó đã lấy trên 10.000 mẫu xét nghiệm sau 2 ca bệnh ở quận 7, TP Thủ Đức; gần 2.000 mẫu với 3 ca ở quận 3 và gần 300 mẫu với ca ở quận Gò Vấp. Đến nay phần lớn số mẫu được lấy đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Việc "thần tốc" xét nghiệm bước đầu giúp ngành y tế xác định được nguồn lây nhiễm (F0) để kịp thời dập dịch.
"Tìm được nguồn lây rất khó, do đó chúng tôi phải rất cố gắng bằng việc phối hợp chặt với công an xác minh từ các ca dương tính có sẵn" - ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), nói.
Chỉ trong thời gian ngắn, HCDC đã xác định được nguồn lây của ca bệnh ở Thủ Đức là từ đồng nghiệp đi về Hải Phòng. Còn nguồn lây cho chủ quán bánh canh O Thanh (quận 3) xuất phát từ người con gái từng đi du lịch Đà Nẵng về vào chiều 3-5.
Ông Phong nói rất hoan nghênh việc truy vết quyết liệt của HCDC, ông kỳ vọng HCDC tiếp tục điều tra cho ra nguồn lây của ca nhiễm ở Gò Vấp.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ tối 20-5 TP.HCM đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát người về từ các tỉnh thành có nguy cơ cao như Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng từ ngày 1-5. Theo ông, trong thời gian chờ làm xét nghiệm, ngành y tế yêu cầu người có nguy cơ ở nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm đảm bảo an toàn.
Ông Dũng đề xuất yêu cầu tất cả các xe công cộng, kể cả taxi 4 chỗ, 7 chỗ đều phải mở cửa khi chở khách. "Bởi xe nếu đóng khí với lưu lượng có nhiều người lên xuống tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm rất cao" - ông Dũng giải thích.
Đề xuất này được chủ tịch UBND TP.HCM đồng tình, đồng thời khuyến khích các đơn vị vận tải phổ biến cho tài xế nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác phương tiện công cộng.
Chị Út Ngọc, bán há cảo, bánh cuốn ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM tối 21-5 đã treo bảng “Chung tay đẩy lùi COVID, quán chỉ phục vụ bán mang về” - Ảnh: QUỐC TUẤN
Quán ăn nhỏ ngưng bán tập trung
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về việc có nên đóng cửa tất cả các quán ăn nhỏ hay không, hầu hết các quận, huyện, ban ngành tham gia cuộc họp đều đồng tình phương án tạm ngưng hoạt động các quán ăn nhỏ.
Ông Phong cho hay tình hình dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt TP đã xuất hiện biến chủng virus có tốc độ lây lan nhanh từ Ấn Độ khiến ông rất lo ngại. Ông dẫn chứng hậu quả của chuỗi lây nhiễm ở quán bánh canh (quận 3), chỉ cần một quán vi phạm khiến cả cung đường phải phong tỏa, nhiều quán ăn phải tạm ngưng hoạt động.
"Ở đây phải hiểu là một quán vi phạm sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều quán ăn khác. Do đó, không cấm cuối cùng phải cấm" - ông Phong nói.
Ông khẳng định trong điều kiện này phải chọn một phương án tối ưu, đó là đối với quán ăn nhỏ ven đường, cho bán mang về hoặc bán online, không cho bán tập trung. Người mang thức ăn về nhà cũng phải mang khẩu trang.
Thông qua hệ thống camera, nếu người nào, cơ sở nào vi phạm cơ quan chức năng sẽ phạt nguội, áp dụng từ 18h ngày 21-5.
Ông Phong cũng yêu cầu các nhà hàng ăn uống, khách sạn có trên 10 lao động không tập trung quá 20 người, khi hoạt động phải thực hiện giãn cách 2m. Ngoài ra, các sự kiện hội họp, lễ hội tôn giáo không tập trung quá 30 người; ở nơi công cộng, phạm vi trường học, bệnh viện, công sở không tập trung quá 20 người...
Dẫn lại con số đến nay đã có 30 tỉnh thành có dịch và cả nước đã bước sang ngày thứ 7 có trên 100 ca mỗi ngày (tăng 3 con số), trong đó tiêu điểm ở các khu công nghiệp với gần 1.000 ca mắc, ông Phong đề nghị các ngành phải tập trung cao độ, từng ngày, từng giờ, từng phút phòng chống dịch.
"Phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số 1, cấp bách và khẩn cấp nhất hiện nay của TP. Mọi ban ngành, mọi người phải hành động vì sức khỏe của người dân TP. Đó là mệnh lệnh" - ông Phong nhấn mạnh.
Đồ họa: TUẤN ANH
TS Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM):
"Kích hoạt" lại ý thức người dân
Các giải pháp mà TP.HCM đề ra để ngăn nguồn bệnh xâm nhập trong cộng đồng khá chi tiết, trong đó tôi đánh giá cao việc nỗ lực truy vết và xét nghiệm nhanh đang thực hiện.
Thế nhưng, việc chống dịch chỉ có ban ngành, cơ quan chuyên môn thì chưa đủ, mà cần phải "kích hoạt" ý thức về phòng dịch của mỗi người dân, bởi thực tế đang có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Theo dõi các ca bệnh gần đây có điểm chung là nhiều người cùng một gia đình, do đó theo tôi, cần phải "hiện thực hóa" khẩu hiệu 5K hơn nữa, bằng một hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình cách ly trong gia đình.
Làm sao để mỗi người dân phải hiểu được cặn kẽ như giảm tụ tập nhiều người trong phòng; giảm sử dụng máy lạnh, mở cửa thông thoáng; hạn chế tiếp xúc ngoài công cộng hay cách sử dụng thang máy ít tiếp xúc... để có thể tự phòng vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
TTO - Ngày 21-5, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về tiếp tục tạm dừng hoạt động một số dịch vụ để phòng chống dịch và vận động người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết từ 0h ngày 22-5.
Xem thêm: mth.16904208022501202-gnod-gnoc-gnor-nal-hcid-nagn-iahp-mchpt/nv.ertiout