Giá Bitcoin có thời điểm đã mất gần 1/3 giá trị, trước khi tạm phục hồi về ngưỡng 41.000 USD. Các đồng tiền số lớn như Ethereum, XRP cũng lao dốc từ 20 - 30%, khiến thị trường tiền kỹ thuật số bốc hơi hơn 400 tỷ USD chỉ trong ít ngày. Một nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường lao dốc chính là niềm cảm hứng cho sự bứt phá trước đó không lâu từ tỷ phú Elon Musk.
Trước đây không lâu, Elon Musk thông báo Tesla đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, đăng đàn Twitter gọi tên Bitcoin… Ngay sau thông báo này, đồng Bitcoin được đà nâng, tăng không biết mệt, leo lên đỉnh gần 64.000 USD.
Thế nhưng, Elon Musk đã quay lưng nhanh như trở bàn tay và không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, úp mở về việc đã bán số Bitcoin nắm giữ. Điều này đã giá Bitcoin giảm 13% trong 24 giờ đầu tiên, từ 50.000 USD (13/5) xuống còn 43.000 USD (19/5) và 30.000 USD (20/5). Có vẻ như lần này, đà tăng của Bitcoin đang đi trốn nhưng Elon Musk lại không muốn đi tìm.
Tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: Genesis Block)
Thị trường tiền kỹ thuật số đã có một phen lao đao vì những dòng tweet của Elon Musk. Tỷ phú Elon Musk là người đã từng rất ủng hộ Bitcoin nhưng mới đây, ông đã có những tuyên bố hoàn toàn trái ngược. Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra. Cá nhân vị tỷ phú người Mỹ giải thích rằng việc Tesla ngừng chấp nhận thanh toán tiền mua xe bằng Bitcoin là vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức để đào Bitcoin.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, điều này là để đảm bảo tuân thủ các quy định hạn chế tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc - thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Tesla, với 137.000 xe được bán ra trong năm 2020.
Thậm chí, một số người còn hoài nghi Elon Musk đang cố tình bơm thổi tiền kỹ thuật số để hưởng lợi riêng. Suy đoán này căn cứ vào việc hồi cuối tháng 4, Tesla đã đạt mức lợi nhuận cao hơn trong quý nhờ tạo ra 101 triệu USD từ việc bán 10% lượng Bitcoin đang nắm giữ.
Những dòng tweet "trước sau bất nhất" của Elon Musk thời gian qua đã gây ra sự rối loạn trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số và làm sống lại cuộc tranh luận liệu tài sản non trẻ này có phải một khoản đầu tư nghiêm túc không?
"Đồng tiền không bao giờ khỏe mạnh nếu nó phụ thuộc vào một số người hay một nhóm người điều khiển được nó", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Một thứ mà người ta gọi là tiền nhưng không có một ai kiểm soát được, giá trị của nó hầu như phụ thuộc vào các doanh nghiệp hoặc cá mập. Vậy nó mang ý nghĩa đầu cơ hơn hay là tiền thật?", một tài khoản mạng xã hội khác băn khoăn.
Tuy nhiên, những người trong lĩnh vực tiền điện tử lại dự đoán sự biến động do Musk chỉ là tạm thời và sẽ sớm kết thúc. CEO của quỹ đầu tư tiền điện tử Osprey Funds cho biết: "Điều quan trọng là họ có nghĩ loại tài sản này tồn tại dài lâu hay không?" Câu trả lời là "có". Trong phiên giao dịch ngày thứ 6, giá Bitcoin đã tăng mạnh, có lúc vượt 42.000 USD. Mức tăng này là dấu hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn lạc quan.
"Elon là con người và ông có quyền tweet những gì ông muốn. Bạn có tiền và tham gia vào thị trường thì phải có trách nhiệm với số tiền và những quyết định của mình", một tài khoản mạng xã hội nhận định.
"Mọi người coi đây là thời điểm bắt đáy và biết đâu là cơ hội cuối cùng để mua Bitcoin với giá rẻ", một tài khoản mạng xã hội khác cho hay.
Đầu tuần này, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cho biết người tiêu dùng đã bị lừa 2 triệu USD bởi những kẻ mạo danh Elon Musk. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của Musk tới thị trường tiền điện tử mạnh thế nào, tạo được cả cơ hội cho những kẻ mạo danh.
Triệu phú bị truy tố vì làm giả thị trường tiền kỹ thuật số
Rõ ràng, với tầm ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội, tỷ phú Elon Musk có thể tác động rất lớn đến thị trường tiền kỹ thuật số chỉ bằng một vài dòng tweet. Hiện Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc lần này. Tuy nhiên trước đó, SEC đã không ít lần đặt tỷ phú Elon Musk vào tầm ngắm với những cáo buộc về việc thao túng thị trường tiền số. Lần này, ông Elon Musk cần phải cẩn trọng, bởi cách đây không lâu đã có một bài học để ông soi chiếu.
Hồi đầu tháng 3, triệu phú John McAfee - người tạo ra phần mềm chống virus McAfee, đã bị Bộ Tư Pháp Mỹ truy tố vì hành vi cố tình bơm thổi, làm giá thị trường tiền kỹ thuật số. Ông này và một số đối tượng khác bị cáo buộc tận dụng tài khoản Twitter có khoảng 1 triệu người theo dõi để đưa ra các lời khuyên như "đồng coin tốt trong ngày" hay "đồng coin xuất sắc trong tuần", qua đó thu về 13 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Bên cạnh việc bị tỷ phú Elon Musk bỏ rơi, tiền kỹ thuật số còn phải chịu đựng một đòn đánh mạnh khác, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa ra tuyên bố tái khẳng định các loại tiền kỹ thuật số không nên và không thể được sử dụng trên thị trường vì chúng không phải tiền tệ thực sự.
Thị trường tiền kỹ thuật lao dốc mạnh sau những thông tin từ Trung Quốc
Các Hiệp hội Internet Tài chính Quốc gia, Ngân hàng, Thanh toán và bù trừ Trung Quốc cũng ra tuyên bố chung cảnh báo những rủi ro việc giao dịch đầu cơ tiền kỹ thuật số có thể mang lại.
Điều đáng nói, mặc dù động thái trên chỉ là sự nhắc lại các quan điểm cứng rắn đã có từ lâu của giới chức Trung Quốc, chứ không phải là một lệnh cấm mới, nhưng thị trường tiền kỹ thuật số vẫn lao dốc mạnh.
Đồng tiền số Bitcoin. (Ảnh: Getty Images)
Lý giải vì sao thị trường lại phản ứng mạnh như vậy sau những thông tin từ Bắc Kinh, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh, cho biết: "Điều đầu tiên chúng ta cần nhận thấy là Trung Quốc chỉ khẳng định lại một lần nữa quan điểm của họ là tiền kỹ thuật số không phải công cụ thanh toán. Điều này không mới nhưng lần này có sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề để khẳng định lại điều đó. Và đây có thể coi là một sự siết lại các hoạt động cung cấp.
Gần đây, một số tổ chức tài chính Trung Quốc bắt đầu lơi lỏng trong vấn đề này khi cung cấp một số dịch vụ tiền mã hóa, vượt qua các quy định trước đây. Do đó lần này Trung Quốc khẳng định lại quan điểm của mình. Điều này khiến các nhà đầu tư thất vọng, vì họ từng hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi và nới lỏng các quy định. Một yếu tố thứ hai là khi tin xấu xuất hiện, một số nhà đầu tư bắt đầu chốt lời. Có những người tham gia vào thị trường sau này sử dụng các đòn bẩy khá lớn. Do đó chỉ cần một mức giảm 5 - 8% đã đủ để khoản đầu tư bị lỗ, buộc nhà đầu tư phải thanh lý và khiến giá của các đồng tiền số giảm mạnh trong thời gian ngắn".
Không chỉ Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng vừa cảnh báo về rủi ro tài chính của các đồng tiền kỹ thuật số và đề xuất đưa ra nhiều quy định quản lý chặt chẽ hơn. Trước tình hình này, các nhà đầu tư tổ chức được cho là đang có thái độ thận trọng hơn đối với việc tiếp cận tiền kỹ thuật số.
Triển vọng của tiền kỹ thuật số
Theo Financial Times, những biến động gần đây trên thị trường đã làm gia tăng sự nghi ngờ của nhiều công ty quản lý quỹ về tương lai của tiền kỹ thuật số. Các quỹ này cho biết đang chờ đợi các chính sách và quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tiền kỹ thuật số. Một thống kê của JP Morgan cho thấy, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng qua, các quỹ đầu tư đang chuyển vốn từ Bitcoin sang các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng.
Trước thái độ nghi ngại, thậm chí là sự dịch chuyển dòng vốn khỏi Bitcoin của các nhà đầu tư, ông Hồ Quốc Tuấn cũng đã đưa ra đánh giá về triển vọng của tiền kỹ thuật số trong thời gian tới: "Chúng ta có thể thấy được yếu tố rủi ro số một với tiền tiền kỹ thuật số là vấn đề pháp lý. Nếu pháp lý siết chặt trở lại như Trung Quốc đã làm, hoặc thậm chí hơn nữa, tiền kỹ thuật số sẽ mất giá nhiều hơn nữa. Chẳng hạn nếu SEC bác hết tất cả hồ sơ xin quỹ ETF hiện nay, đó sẽ là cú sốc với nhiều nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, nếu SEC thông qua một vài quỹ đầu tư, cho phép đầu tư vào tiền mã hóa hay Trung Quốc nới lỏng quy định, chúng ta sẽ lại thấy dòng tiền đổ vào tiền mã hóa. Đây là một đồng tiền phụ thuộc vào niềm tin nên họ có tin tốt, họ có thể đẩy lên bất cứ mức giá nào. Chúng ta không có bất kỳ thông số kỹ thuật nào để dự báo được mức tăng giá này. Tuy nhiên nếu ngược lại, Bitcoin và và các đồng tiền kỹ thuật số sẽ trở về mức trước đại dịch, thời điểm người ta mong đợi chúng sẽ trở thành công cụ thanh toán mới".
Như vậy, đà phục hồi của Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ thái độ của các nhà đầu tư, cho tới quan điểm của chính phủ các nước. Với một loại tài sản có mức độ biến động lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro như tiền kỹ thuật số, sự cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định giao dịch là điều rất cần thiết với mỗi nhà đầu tư để tránh các thiệt hại đáng tiếc.
VTV.vn - Sau khi Trung Quốc tiếp tục kêu gọi siết chặt quy định đối với tiền số, Bitcoin lại giảm giá mạnh, có lúc xuống dưới 36.000 USD/đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7950113122501202-os-neit-auc-aod-ed-iom-iot-gnuh-mac-mein-ut-ksum-nole/et-hnik/nv.vtv