KTS Nguyễn Trực Luyện - Ảnh: Tạp chí Kiến trúc
Các thế hệ kiến trúc sư nhớ đến ông như người đã có đóng góp lớn trong việc tổ chức, tập hợp, gắn kết các thế hệ kiến trúc sư vào trong tổ chức hội, giúp định hướng kiến trúc Việt Nam trong một giai đoạn chuyển đổi của đất nước tới ngày nay. Tôi chưa thấy một chủ tịch hội nào làm được nhiều như ông, một người đáng kính trọng
GS.TS-KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH
Tin từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam và gia đình cho biết ông qua đời vì tuổi cao sức yếu vào chiều 21-5, hưởng thọ 86 tuổi.
"Đó là một kiến trúc sư đứng đắn, ngay thẳng, mẫu mực, đặc biệt luôn có tinh thần phản biện sắc sảo và đầy trách nhiệm trong lĩnh vực chuyên môn", GS.TS-KTS Hoàng Đạo Kính nói về đồng nghiệp, bậc đàn anh thân tín mà ông rất mực kính trọng.
Là con nhà nòi (con trai của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện - thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của nước ta, được đào tạo từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện tuy không có nhiều cơ hội cống hiến nhiều hơn cho kiến trúc của nước nhà như sinh thời ông từng bày tỏ nuối tiếc bởi hoàn cảnh đất nước thời chiến tranh và hậu chiến khó khăn, nhưng các đồng nghiệp và nhiều thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đều bày tỏ lòng kính trọng với tài năng và cống hiến của ông cho kiến trúc nước nhà.
Ông cũng để lại một sự nghiệp kiến trúc đáng nể, tham gia thiết kế nhiều công trình quan trọng của đất nước những năm 1960-1980.
Kể từ công trình lớn đầu tiên là thiết kế cải tạo khách sạn Dân Chủ (góc phố Tràng Tiền - Nguyễn Khắc Cần ngày nay), kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã thiết kế khách sạn Thái Nguyên, khu Ngoại giao đoàn (Vạn Phúc - Ba Đình) và đóng góp sức mình cho những công trình quan trọng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôn tạo nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ, tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, xây đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những công trình ấy đều có tiếng nói riêng theo xu hướng kiến trúc nhiệt đới, thân thiện với thiên nhiên và giàu tính nhân văn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với Hội đồng tư vấn kiến trúc - quy hoạch do KTS Nguyễn Trực Luyện làm chủ tịch - Ảnh tư liệu
Nhưng công lao lớn nhất của kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện với ngành kiến trúc Việt Nam, theo GS Kính, chính là ông đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng mái nhà chung của giới kiến trúc sư Việt Nam - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - trong hơn 20 năm làm công tác hội, từ chức vụ tổng thư ký hội tới chủ tịch hội, bắt đầu từ năm 1983 đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2005.
Trong hơn hai thập kỷ ấy, ông đã bền bỉ đặt nền tảng cho mô hình hoạt động của một tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới kiến trúc sư.
Theo ông Kính, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện rất nghiêm túc trong nghề nghiệp và đáng quý hơn cả là có ý thức trách nhiệm cộng đồng rất lớn, mang tinh thần phản biện xã hội quyết liệt, bảo vệ những tư tưởng kiến trúc hiện đại, mới của kiến trúc.
Với chủ trương tăng cường tiếng nói phản biện của giới kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện tham gia làm đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII; chủ tịch Hội đồng tư vấn kiến trúc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong thời gian này, ông đã cùng giới kiến trúc sư lên tiếng mạnh mẽ, tác động không nhỏ tới dư luận xã hội với những công trình tòa nhà khách sạn Hà Nội Vàng, tòa nhà "Hàm cá mập", trụ sở Bộ Tài chính…
Những năm cuối đời ông vẫn tiếp tục góp tiếng nói của mình trong những vấn đề kiến trúc, quy hoạch lớn của đất nước, đặc biệt thủ đô Hà Nội và có công lớn trong việc ươm mầm những thế hệ kiến trúc sư tài năng trẻ.
Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện sinh ngày 15-10-1935 tại Hà Nội.
Ông là tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa III, khóa IV; chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa V, khóa VI, đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.
Tang lễ kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện được tổ chức vào ngày 25-5 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng tổ chức từ 11h15 đến 12h15. Lễ truy điệu từ 12h15 đến 12h30.
Lễ an táng cùng ngày tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, TP Hà Nội.
TTO - Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa gửi văn bản lên Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn Cung thiếu nhi, sau khi Hà Nội khởi công xây dựng cung thiếu nhi mới mà không đề cập công khai về số phận của cung hiện tại.