Theo Bộ Tài chính, nhiều hàng giả được bán tràn lan có một phần là hàng quá cảnh thẩm lậu vào nội địa. Trong ảnh: lực lượng chức năng kiểm tra, niêm phong kho hàng giả các thương hiệu nổi tiếng tại Vụ Bản, Nam Định - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp về tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hóa quá cảnh, trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính đã cho biết như trên.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có 129 doanh nghiệp hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc đi Lào, Campuchia với hàng chục nghìn container mỗi năm. Hàng hóa quá cảnh chủ yếu là hàng tiêu dùng thông thường, hàng điện tử, điện lạnh, linh kiện điện tử, phụ tùng ôtô…
Tại Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) và TP.HCM (cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1), mỗi ngày trung bình có 100 -150 container hàng bách hóa mở tờ khai theo loại hình quá cảnh xuất sang Campuchia, Lào, chủ yếu qua cửa khẩu đường bộ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An.
Mặc dù mang lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động và doanh thu cho các doanh nghiệp hoạt động logistics, nhưng hoạt động quá cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua lãnh thổ Việt Nam, từ đó thẩm lậu, quay đầu tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Điển hình là vụ việc 2 container hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh vừa được Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện và thu giữ 7,5 tấn tiền chất ma túy; kiểm tra lô hàng quá cảnh của Công ty cổ phần vận tải Quốc tế KA đứng tên trên tờ khai, bắt giữ 15,8kg ma túy đá.
Để chủ động phát hiện, xử lý, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm qua biên giới, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 13 đến 21-7-2020), Tổng cục Hải quan đã kiểm tra thực tế hàng hóa 132 container trên tổng số hơn 650 container.
Kết quả đã phát hiện 91 container vi phạm, trong đó có 35 container chứa hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng, 56 container hàng hóa không khai báo, khai báo sai.
"Tỉ lệ kiểm tra trọng điểm chỉ chiếm 20% số container quá cảnh nhưng hàng hóa vi phạm chiếm tới 76%, trong đó số container có hàng giả chiếm tới 38,5%" - Tổng cục Hải quan báo cáo.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và ngăn chặn buôn lậu, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung đánh giá rủi ro hàng vi phạm theo một số tiêu chí như tuyến đường bộ từ Trung Quốc đi Campuchia, cụ thể là cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đi Campuchia; tập trung vào nhóm hàng bách hóa…
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét đối với các container, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường và thời gian quy định.
TTO - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt và trị giá hàng hóa hơn 302 triệu đồng đối với chủ kho hàng kinh doanh hàng nghìn sản phẩm thời trang nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu.