Không nằm ngoài dự đoán, vấn đề Triều Tiên là một trong những chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc với kỳ vọng sẽ tạo ra được bước đột phá trong việc tái khởi động lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, bài toán chung cấp thiết nhất của hai nước Hàn - Mỹ hiện nay là phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ý kiến về việc tiếp cận vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại. Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh chính sách mới về Triều Tiên của Mỹ, đó là ngoại giao với Bình Nhưỡng theo hướng tiếp cận thiết thực, dựa trên Tuyên bố chung Singapore tháng 6/2018.
Tổng thống Joe Biden (phải) và người đồng cấp Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap |
Về phần mình, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ hợp tác với Hàn Quốc, hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách toàn diện. Ông Joe Biden cam kết sẽ thảo luận chặt chẽ với Hàn Quốc khi xây dựng phương thức tiếp cận vấn đề Triều Tiên.
Và để bắt đầu cho những nỗ lực này, Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, gốc Hàn Quốc, từng làm Đại sứ tại Philippine và Indonesia – Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Sung Kim làm đặc phái viên về Triều Tiên. Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ sau khi người tiền nhiệm là ông Stephen Biegun thôi giữ chức vào tháng 1 vừa qua. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, ông không ảo tưởng về mục tiêu khó khăn là phi hạt nhân hóa một cách toàn diện Triều Tiên và ông sẽ chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu nước này đưa ra được cam kết về phi hạt nhân hóa.
Hiện thế giới đang rất kỳ vọng sẽ sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dưới thời Biden. Khác với tuyên bố hồi tháng 3/2021 là không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, lần này, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định sẵn sàng cho cuộc gặp như vậy trong một điều kiện thích hợp. Theo ông, điều kiện đó là các nhóm cố vấn Mỹ - Triều phải làm việc trước tiên để đặt nền móng cho cuộc gặp; thứ hai nhà lãnh đạo Triều Tiên cần cam kết sẽ thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tổng thống Mỹ khẳng định, chính sách mới của Mỹ về Triều Tiên là cách tiếp cận thực tế, không giống với chính sách gần đây của nước này và nhà lãnh đạo Triều Tiên cần “nghiêm túc” trong đối thoại. Theo nhiều quan chức Mỹ, chính sách này sẽ khác so với thời cựu Tổng thống Barack Obama, vốn ít quan tâm đến Triều Tiên; song cũng không phải là những cuộc gặp thượng đỉnh “hào nhoáng” như thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, những yêu sách của Washington cần Bình Nhưỡng làm ngay lập tức để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước đã “vui mừng thông báo” về việc chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ. Hướng dẫn phát triển tên lửa được thiết lập vào năm 1979, với nội dung hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, mức độ hạn chế đã được giảm nhẹ dần qua 4 lần sửa đổi. Việc chấm dứt hướng dẫn này có nghĩa là Washington dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn, đồng nghĩa với việc Seoul đã đạt được chủ quyền về tên lửa.
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden đã cam kết hỗ trợ trực tiếp vaccine COVID-19 cho Hàn Quốc trên phương diện đồng minh Hàn-Mỹ, dự kiến sẽ công bố nội dung cụ thể sau khi hoàn tất chuẩn bị. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp vaccine cho 550.000 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ nâng sản lượng vaccine thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất vaccine lớn của Mỹ và các doanh nghiệp sở hữu công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Moon Jae-in cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh nêu rõ: “Mỹ và Hàn Quốc nhất trí mở rộng phối hợp khu vực trong các vấn đề thực thi pháp luật, an ninh mạng, y tế cộng đồng và thúc đẩy xu hướng phục hồi xanh. Chúng tôi cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng nhau nhằm tăng cường kết nối cũng như đẩy mạnh việc đổi mới kỹ thuật số trong ASEAN, đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân giữa người dân Mỹ, Hàn Quốc với người dân Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ xem xét các cơ hội thực hiện những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, an ninh năng lượng và quản lý nước có trách nhiệm ở tiểu vùng sông Mekong”.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Hàn Quốc trong việc củng cố các cách tiếp cận đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ phối hợp với nhau theo hướng phù hợp với “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc và tầm nhìn của Mỹ về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời sẽ hợp tác để tạo ra một khu vực an toàn, thịnh vượng và năng động.
Xem thêm: /594246-naH-yM-hnid-gnouhT-auc-y-uhc-gnad-nahn-meid-gnuhN/et-couq-naul-hniB/nv.moc.dnac