Diễn viên Châu Nhuận Phát vừa tròn 66 tuổi vào ngày 18-5. Năm 62 tuổi, ông dành toàn bộ tài sản 714 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện và từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy tiền bạc này không thuộc về tôi. Tôi chỉ là người giữ chúng tạm thời”.
Thời điểm đó, bên cạnh dòng phim kiếm hiệp, phim xã hội đen Hong Kong là phổ biến hơn cả. Tivi vẫn còn là thứ xa xỉ với nhiều gia đình, ở những quán cà phê, chủ quán thường mở phim lẻ Hong Kong (cách gọi phim chiếu rạp để phân biệt với phim truyền hình gọi là phim bộ) cả ngày để dụ khách.
Trẻ con ngày đó cũng đến quán cà phê thường như người lớn nhưng không uống mà coi "cọp" phim, hay thường bu quanh nhà hàng xóm có đầu phát video để coi ké.
Đối với những đứa trẻ trong thập niên đó, có thể không biết Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ là ai, nhưng chắc chắn biết Châu Nhuận Phát, thậm chí dù không coi phim nào của ông. Châu Nhuận Phát trở thành một điển phạm gắn liền với "thần bài", với "máu nhuộm bến Thượng Hải".
35 năm loạt phim Anh hùng bản sắc
Nhắc đến Châu Nhuận Phát thì ngay lập tức hiện lên hai hình ảnh. Một là đầu tóc mướt rượt, mặc vest sang trọng, bắt chéo chân ngồi bên bàn bài. Hai là hình ảnh bụi bặm, áo khoác tung bay, kiếng đen, miệng ngậm tăm hoặc que diêm và nhất là xả đạn như mưa vào kẻ thù. Hình ảnh sau hấp dẫn đại chúng hơn hẳn.
Trong các phim xã hội đen đẫm máu đặc sản Hong Kong, Châu Nhuận Phát nổi lên như một biểu tượng và không thể quên loạt phim Anh hùng bản sắc. Kể từ khi phần đầu ra mắt năm 1986, năm nay tròn 35 năm loạt phim ra đời, giúp khẳng định tên tuổi ông trên màn ảnh rộng.
Người hâm mộ nổi tiếng nhất của phim này có thể kể đến "MC quốc dân" của Hàn Quốc Yoo Jae Suk, một nghệ sĩ cũng nổi tiếng với "nhân cách vàng". Trong chương trình truyền hình tạp kỹ có tuổi đời 11 năm Running Man, Yoo Jae Suk dù không biết tiếng Quảng Đông nhưng vẫn hát đúng từng từ trong ca khúc Hướng về tương lai - nhạc phim Anh hùng bản sắc II, vì ông đã nghe đi nghe lại từ hồi còn nhỏ.
Đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã thành công khi tạo dựng nhân vật phản anh hùng. Ở đó, trong thế giới chánh tà lẫn lộn, đôi khi để cứu một điều thiện, người ta phải gây một điều ác. Trạng thái này diễn tả được ít nhiều thế lưỡng nan của người Hong Kong bấy giờ, và khi Anh hùng bản sắc ra đời, họ đã tìm được một hình mẫu, còn Châu Nhuận Phát là hóa thân trọn vẹn của hình mẫu đó.
Có một kiểu nhân vật thường gắn liền với Châu Nhuận Phát, kiểu nhân vật dưới đáy vật lộn với cuộc sống hiện đại. Trong Anh hùng bản sắc II, đoạn nhân vật Lý Mã Khắc (Mark) của ông trừng trị tên bảo kê người Mỹ ngay trên đất Mỹ, gây cảm giác thỏa mãn không kém trường đoạn bắn nhau đẫm máu ở phần sau phim.
Mark là nhân vật điển hình cho lớp người châu Á nhập cư, cần cù và nhẫn nhục nhưng bị kỳ thị và hiếp đáp. Cảnh Mark nhặt cơm bị ném xuống đất lên ăn, nói với tên bảo kê cơm gạo giống như cha mẹ mình vậy, có lẽ chỉ những người châu Á mới hiểu câu nói đơn giản này ẩn chứa điều gì.
Giản dị và thành thực
Cũng trong năm 1987, ông đóng cặp Chung Sở Hồng trong phim Câu chuyện mùa thu lấy bối cảnh New York, một tác phẩm do Trương Uyển Đình đạo diễn. Nhân vật ma cà bông của Châu Nhuận Phát trong phim này như thể là tiền thân của nhân vật Mark. Đến cuối, anh cũng mở được một quán ăn nhỏ bên bờ biển. Hình ảnh quán ăn nhỏ tấp nập khách không biết đã lấp lánh trong mắt bao nhiêu người nhập cư.
Có lẽ không ai hợp hơn Châu Nhuận Phát để đóng những vai như vậy. Ông hiểu thế nào là nghèo khổ, sự giản dị của ông, tính hào phóng của ông được nói quá nhiều trên mặt báo.
Khác với những đồng nghiệp cùng thời như Trương Quốc Vinh hay Mai Diễm Phương, những người sinh ra để trở thành thần tượng, khán giả đứng xa tôn thờ. Châu Nhuận Phát như người anh em họ mà ta có thể đi chung xe buýt, ngồi ăn chung ở quán vỉa hè. Ông "đời" hơn, một đời sống không bị thi vị hóa nhưng con người vẫn còn bám trụ được vào thứ niềm tin "nếu chăm chỉ lao động thì sẽ thành công". Châu Nhuận Phát là một giấc mơ mà họ có thể chạm mặt được.
Bởi chính ông là minh chứng cho sức lao động bền bỉ, bốn thập niên, hàng trăm bộ phim với sự nghiêm túc và chuyên nghiệp đáng nể. Sự nghiêm túc còn dẫn ông đến sự thành thực còn đáng nể hơn, ông biết rõ trong hàng trăm phim mình đóng chỉ có vài phim đáng gọi là điện ảnh.
Trong bài hát Quyển nhật ký của fan có đoạn miêu tả Châu Nhuận Phát "bộ râu ngắn cũng đã bạc". Bộ râu bạc ấy trở thành biểu tượng gợi nhắc cho sự thoái trào của điện ảnh Hong Kong.
Kiếm tiền để cho đi
Cách đây không lâu, danh ca Tuấn Ngọc xuất hiện trên chương trình Ký ức vui vẻ, ở tuổi 70, ông khiêm tốn nhận rằng càng học hát thì thấy mình càng dở cho nên biết ơn những người yêu quý giọng hát của mình.
Có những con người bỗng lớn lao khi họ tự thấy mình nhỏ bé. Châu Nhuận Phát biết rất nhiều phim trong sự nghiệp của mình chỉ là phim giải trí mì ăn liền, nhưng ông cũng nỗ lực làm tròn vai và không ảo tưởng minh tinh nghệ sĩ.
Trong lễ trao giải Kim Tượng lần 6 (1987), Châu Nhuận Phát ăn mặc xuề xòa từ phim trường đến thẳng buổi lễ vì nghĩ mình không đoạt giải. Kết quả là ông mặc trang phục bụi bặm của nhân vật lên sân khấu nhận giải Ảnh đế cho diễn xuất trong Anh hùng bản sắc.
Châu Nhuận Phát là thế, giản dị và bình thản trước cuộc đời khôn kham. Sự bình thản này thể hiện qua nụ cười của ông, không đẹp nhưng tiêu sái có thể làm đối phương cảm thấy an lòng, như thể muốn gửi đi một thông điệp, ừ cái cuộc đời này nó vậy.
Chỉ một người như thế mới không câu nệ chuyện hương hỏa (vợ chồng ông quyết định không có con) và quyên toàn bộ tài sản tích cóp cả đời mình (714 triệu USD) cho các tổ chức từ thiện. Ông kiếm tiền để cho đi như việc hiển nhiên. Và nếu có ai hỏi vì sao lại làm vậy, có lẽ từ chiếc miệng hơi móm của ông lại nở nụ cười bình yên. Nụ cười của cậu bé nghèo ở đảo Nam Á trở thành minh tinh châu Á rồi vươn đến Hollywood.
Một biểu tượng văn hóa
Châu Nhuận Phát và Lưu Đức Hoa ngày ấy (trái) và bây giờ, tái hiện poster phim Thần bài
Trong cuốn sách vừa xuất bản ở Việt Nam Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát, tác giả Lin Feng xem Châu Nhuận Phát không chỉ là biểu tượng văn hóa mà con người và sự nghiệp của ông còn phản ảnh căn tính và lý giải sự thành công của xã hội Hong Kong.
Hai từ "đại hiệp" đã điểm đúng những mốc quan trọng trong đời Châu Nhuận Phát. Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, ông vào vai Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ của TVB và ở vai diễn đánh dấu bước chuyển sang thế kỷ 21, ông vào vai đại hiệp Lý Mộ Bạch trong tác phẩm đoạt 4 giải Oscar Ngọa hổ tàng long.
TTO - Hơn 40 năm sự nghiệp của Châu Nhuận Phát từng được giới nghiên cứu tận dụng để tìm hiểu lịch sử và xã hội Hong Kong. Vì lẽ đó, người đọc sẽ nhìn thấy một bóng dáng Hương Cảng khi đọc sách ‘Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát’.
Xem thêm: mth.89170209032501202-ib-neb-nein-paht-4-auc-peih-iad-tahp-nauhn-uahc/nv.ertiout