Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50mcg cho tình nguyện viên - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Y tế cũng cho biết dự kiến ngày 24-5, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh của Bộ Y tế sẽ họp xem xét thông qua đề cương thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa COVID-19 đối với vắc xin Nano Covax. Theo Bộ Y tế, trường hợp được thông qua, sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin trên nhóm lớn người tình nguyện từ cuối tháng 5 này.
Theo đề cương được nhóm nghiên cứu đệ trình, nghiên cứu này sẽ triển khai đa trung tâm, trên nhóm 10.000 - 30.000 người tình nguyện, trong đó có cả khả năng nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của giai đoạn 3, sẽ tiêm trước cho khoảng 800 người, là cơ sở để triển khai rộng hơn sau đó.
Từ tháng 12-2020, vắc xin này đã được thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, đến nay giai đoạn 2 đã hoàn tất, cả 2 giai đoạn đã tiêm cho khoảng 650 người tình nguyện. Trong số người tham gia tiêm tình nguyện có cả Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc. Kết quả đảm bảo về yêu cầu an toàn, về tỉ lệ sinh miễn dịch có những kết quả đáng khích lệ. Nano Covax là 1 trong 2 vắc xin được đưa vào thử nghiệm lâm sàng (tiêm thử nghiệm trên người).
Bắc Giang vẫn chưa chuẩn trong khâu lấy mẫu
Tại buổi hướng dẫn trực tuyến công tác lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Giang, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá cách thức tiến hành lấy mẫu ở các điểm chưa thống nhất, mỗi nơi một kiểu, một phương thức khác nhau.
Nhiều điểm, người đến lấy mẫu tụ tập đông, lộn xộn, chưa tuân thủ giãn cách. Trong khi đó, tại các điểm này lại ít thấy cơ quan chức năng chấn chỉnh, địa điểm và thời gian lấy mẫu chưa được tổ chức nhuần nhuyễn làm mất thời gian người lấy mẫu và người dân.
"Công tác phối hợp lực lượng y tế cơ sở với nhân viên chưa tốt, dữ liệu ghi bằng giấy, chưa cập nhật kịp thời, tổng hợp thủ công, dẫn đến chậm và thiếu thông tin về dịch tễ" - Bộ Y tế đánh giá.
Được biết, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã xây dựng bộ quy trình hướng dẫn bằng hình ảnh slide, hướng dẫn cụ thể từ đón tiếp, lấy mẫu, sắp xếp xét nghiệm theo hướng chống để lây nhiễm chéo, đồng thời chuẩn hóa và số hóa quy trình. Quy trình này sẽ thực hiện từ ngày 24-5.
Đặc biệt, việc ghi chép dữ liệu đã thay đổi từ thủ công sang số hóa, với biểu mẫu lập danh sách mới, dễ thực hiện. Theo lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang, tốc độ lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh này đang tăng nhanh và từ 22-5 đã đáp ứng trả kết quả trong ngày.
"Ở nhà là tham gia phòng chống dịch"
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định hiện nay vẫn còn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Lúc này là thời điểm quyết định để tỉnh Bắc Giang khống chế dịch, do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, cán bộ không được chủ quan, lơ là, thực hiện khai báo y tế toàn dân (lần 2) với tinh thần "Ý thức người dân quyết định thắng lợi cuộc chiến chống dịch bệnh".
Ông Dương cũng đề nghị mỗi người dân cần nêu cao tinh thần "Ở nhà là tham gia phòng chống dịch", "Hãy ở nhà vì tỉnh Bắc Giang và vì cả đất nước".
Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly y tế, cách ly xã hội tại 4 huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và Yên Dũng, đối với các huyện còn lại phải thực hiện như giãn cách xã hội.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm, nhất là trả kết quả, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng công an, tổ COVID-19 cộng đồng để truy vết nhanh, chính xác. Đặc biệt là chủ động sẵn sàng xây dựng bệnh viện dã chiến, các khu cách ly dự phòng theo tinh thần "Luôn đi trước một bước", "Phòng dịch tiết kiệm hơn chống dịch".
Ông Dương nhấn mạnh hỗ trợ đời sống công nhân là việc làm quan trọng, do vậy yêu cầu các huyện, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến đời sống công nhân (trọng tâm là huyện Việt Yên, Yên Dũng) với tinh thần "Không để công nhân thiếu", tổ chức tốt hơn nữa việc hỗ trợ như thành lập "Siêu thị 0 đồng", "ATM gạo", trao tận tay công nhân nhanh nhất, hạn chế thông qua trung gian...
TP.HCM chưa phát hiện thêm ca nhiễm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 22-5 cho biết trường hợp bệnh nhân tại quận Gò Vấp được ghi nhận là ca nghi ngờ từ chiều tối 20-5, đến nay vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định. Do là ca nghi ngờ nên thành phố xử trí giống như một ca nhiễm.
Cũng theo HCDC, trong tổng số 8.068 mẫu xét nghiệm là những trường hợp tiếp xúc gần và mẫu xét nghiệm mở rộng giám sát của 6 bệnh nhân mắc COVID-19 ở thành phố, có 6.968 mẫu có kết quả âm tính.
Riêng 3 bệnh nhân là người trong một gia đình có mẹ bán quán ăn ở quận 3 (bệnh nhân 4780, 4781 và 4782), thành phố đã truy vết 85 trường hợp tiếp xúc gần, trong đó 71 âm tính, 14 đang chờ. Thành phố đã truy vết được 872 trường hợp tiếp xúc khác, trong đó 327 mẫu âm tính, 545 đang chờ kết quả. Mở rộng xét nghiệm lấy 975 mẫu, có 437 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, HCDC khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ vì ai cũng có thể là F0; người trở về từ Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang và Bắc Ninh sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cần khai báo với y tế địa phương.
XUÂN MAI
Sự chủ động vào cuộc, tự chủ về kinh phí mua vắc xin và tiêm phòng của một số doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác cho chương trình tiêm ngừa COVID-19 là hành động tích cực, mang giá trị nhân văn và đầy ý nghĩa.