Theo đó, báo cáo về sự cần thiết của việc lập quy chế quản lý kiến trúc trước đó, Sở QH-KT TP cho biết có một số nội dung thực tiễn trong quá trình quản lý đô thị cần được nghiên cứu, bổ sung.
Cụ thể, trong thực tiễn quản lý, phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM đã đặt ra một số yêu cầu mới. Chẳng hạn quy định về xây dựng công trình ngầm đô thị, đầu tư xây dựng công trình ngầm trong đô thị là nhu cầu thực tiễn hiện nay, do đó, cần nghiên cứu quy chế quản lý không gian ngầm đô thị.
Khái niệm về khu đô thị hiện hữu bao gồm 13 quận nội thành hiện hữu: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và khu vực đô thị mới bao gồm 6 quận mới: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức tại quy chế hiện nay không còn phù hợp.
Vì đối với 6 quận được xác định là khu đô thị mới vẫn tồn tại những khu vực đô thị hiện hữu, đồng thời TP Thủ Đức được thành lập theo địa giới hành chính các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trước đây. Do đó, sẽ gặp vướng mắc trong việc xác định đối tượng áp dụng quy chế.
TP.HCM nghiêu cứu quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc không gian ngầm. Ảnh phối cảnh không gian ngầm trước chợ Bến Thành tuyến metro 1.
Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM ban hành ngày 29-8-2014 của UBND TP sẽ hết hiệu lực sau ngày 31-12-2021. Từ 1-1-2022, các yêu cầu về quản lý kiến trúc được thực hiện theo Luật Kiến trúc và Nghị định số 85 ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
Do đó, Sở QH-KT TP cho rằng cần khẩn trương thực hiện công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc TP hiện nay, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế.
Sau khi đánh giá sẽ đưa ra hựớng điều chỉnh, đồng thời bổ sung các quy định mới để chuyển đổi từ Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP.HCM ban hành ngày 29-8-2014 của UBND Thành phố sang quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc.