Bên trong nhà máy của Samsung Biologics - công ty Hàn Quốc vừa đạt thỏa thuận sản xuất vắc xin với hãng Moderna (Mỹ) - Ảnh tư liệu của Samsung Biologics
Mới nhất, ngày 22-5 Công ty Samsung Biologics của Hàn Quốc ký thỏa thuận sản xuất vắc xin Moderna (Mỹ) tại xứ kim chi.
"Hôn nhân" được mong đợi
Theo Hãng tin Yonhap, lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Washington với sự chứng kiến của Tổng thống Moon Jae In. Ông Moon ca ngợi đây là "cuộc hôn nhân" kết hợp chuyên môn của Mỹ với khả năng sản xuất của Hàn Quốc.
Hãng tin Reuters ngày 23-5 cho biết Samsung Biologics sẽ bắt đầu cung ứng vắc xin cho các thị trường bên ngoài nước Mỹ từ quý 3 năm nay.
Mặc dù đây là sự thỏa thuận giữa hai công ty nhưng đằng sau chắc chắn có vai trò thúc đẩy của chính phủ, khi hợp đồng được ký trong dịp Tổng thống Hàn Quốc sang thăm chính thức Mỹ và gặp Tổng thống Joe Biden. Ông Moon cho biết chính phủ của ông hoàn toàn ủng hộ các nhà phát triển và sản xuất vắc xin, mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành "trung tâm sản xuất vắc xin toàn cầu".
Các loại vắc xin của các hãng AstraZeneca (Anh), Novavax (Mỹ) và Sputnik V (Nga) cũng đã được sản xuất tại Hàn Quốc.
Thông tin về việc sản xuất vắc xin Moderna ở Hàn Quốc đã được trang fiercepharma.com tiết lộ từ tháng 2-2021. Cụ thể, với hợp đồng cung ứng 50 triệu liều vắc xin cho Nhật Bản và 40 triệu liều cho Hàn Quốc, Moderna cũng nhận ra sự cần thiết phải có nhà máy ở ngay châu Á. Công ty đã thảo luận với Chính phủ Hàn Quốc về việc đầu tư 200 triệu USD cho một nhà máy sản xuất vắc xin vào đầu năm nay.
Tại châu Âu, các nước Thụy Điển, Pháp, Tây ban Nha... cũng hợp tác với Moderna để đóng lọ và hoàn thiện hàng trăm triệu liều vắc xin công nghệ mRNA.
Không chỉ Moderna đang tìm các đối tác sản xuất ở châu Á, nhiều hãng dược nổi tiếng khác cũng quan tâm thị trường này. Ngày 10-5, Hãng BioNTech (Đức), đối tác của Hãng dược Pfizer, cũng thông báo sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA và các loại vắc xin khác trị bệnh truyền nhiễm và ung thư tại Singapore. Mặc dù đặt tham vọng có thể sản xuất hàng trăm triệu liều mỗi năm, tùy loại, cơ sở này chỉ có thể hoạt động sớm nhất từ năm 2023.
Việc cấp giấy phép sản xuất vắc xin tự nguyện cũng đã áp dụng với vắc xin của AstraZeneca tại các nước Ấn Độ, Thái Lan... Viện Serum của Ấn Độ là đơn vị đầu tiên sản xuất vắc xin của AstraZeneca với tên địa phương là Covishield.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một cơ sở sản xuất vắc xin ở Việt Nam bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA.
Phải đảm bảo chất lượng
Khi lời kêu gọi tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin được đặt ra, nhiều chuyên gia đã nhận định có thể các công ty dược sẽ tìm các đối tác sản xuất, mở rộng cung ứng vắc xin để tránh phải từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin của mình.
Theo hình thức chuyển giao sản xuất, bên có khả năng sản xuất được giao công thức, bao gồm cả hướng dẫn sản xuất và kiểm định chất lượng của công ty phát minh ra vắc xin, để có thể bắt đầu công việc ngay lập tức.
Điều này rất quan trọng vì theo Đài BBC (Anh), những công nghệ sản xuất vắc xin mới như công nghệ mRNA mà các hãng Pfizer và Moderna đang sử dụng có rất ít đơn vị hiểu được cách làm.
Nếu không được chuyển giao công nghệ và thao tác kỹ thuật, quá trình phát triển sản xuất có thể mất khoảng một thập niên nhưng vẫn chưa chắc có thể đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Đặc điểm của việc hợp tác sản xuất tự nguyện theo thỏa thuận trực tiếp giữa các công ty này là vắc xin được sản xuất ra phải tuân thủ và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của bên trao quyền sản xuất. Tùy theo hợp đồng, vắc xin sẽ được cung ứng đi các thị trường khác nhau.
Trước khi cung ứng hàng loạt, các phòng thí nghiệm ở Mỹ và châu Âu của AstraZeneca chứng nhận các mẫu kiểm nghiệm từ các lô vắc xin COVID-19 sản xuất từ các đơn vị nước ngoài.
Mới đây nhất, tháng 5 năm nay, Hãng Siam Bioscience (Thái Lan) công bố đã đạt yêu cầu về chất lượng như thành phần hóa học và độ an toàn để chuẩn bị cung ứng hàng loạt vắc xin AstraZeneca cho nhu cầu trong nước.
Vắc xin hiệu quả với biến thể ở Ấn, Anh
Nghiên cứu tại Anh xác nhận vắc xin của Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả cao với biến thể lần đầu phát hiện ở Ấn Độ của virus corona gây dịch COVID-19, Đài BBC đưa tin.
Theo nghiên cứu trên, trong ba tuần đầu sau mũi tiêm đầu tiên, cả vắc xin của Pfizer và AstraZeneca chỉ đạt được hiệu quả 33% với biến thể từ Ấn Độ. Còn hiệu quả sau mũi tiêm đầu tiên của hai loại này với biến thể từ Anh là 50%.
Hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, vắc xin của Pfizer có hiệu quả đến 88% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh của người nhiễm biến thể từ Ấn Độ, và hiệu quả này là 93% với biến thể từ Anh.
Trong khi đó, vắc xin của AstraZeneca hai tuần sau tiêm có hiệu quả 60% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh của người nhiễm biến thể từ Ấn Độ, và hiệu quả này là 66% với biến thể ở Anh.
TTO - Nhiều nước phát triển sẽ tiêm ngừa COVID-19 cho phần lớn dân số vào cuối năm nay, tuy nhiên các nước nghèo phải cần đến 2024 hoặc lâu hơn để làm điều đó, theo một báo cáo của cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU).
Xem thêm: mth.74894612232501202-91-divoc-nix-cav-tahk-noc-iaig-a-uahc/nv.ertiout