Sau 3 tập ra về tay trắng vì không tìm được startup hợp khẩu vị, mới đây, Shark Nguyễn Thanh Việt đã "chốt" thành công deal đầu tiên của ông trong mùa 4. Startup lọt vào mắt xanh của Shark Việt chính là BluSaigon, chuyên sản xuất bút cao cấp từ ngọc trai.
Xuất hiện trong chương trình, nữ founder Tôn Nữ Xuân Quyên đến gọi vốn cùng cha mình là ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc công ty TNHH nút áo Tôn Văn.
Dành thời gian để tâm sự, ông Tôn Thạnh Nghĩa cho biết năm 35 tuổi ông mới bắt đầu học tiếng Nhật để tìm kiếm một nghề có thu nhập cao hơn và mãi đến năm 40 tuổi, ông mới bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm nút áo ngọc trai. Sản phẩm của ông Nghĩa chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài.
Con gái ông, Tôn Nữ Xuân Quyên, CEO BluSaigon có được sự hậu thuẫn từ công ty nút áo Tôn Văn của cha, nhưng kinh doanh sản phẩm hoàn toàn khác biệt. BluSaigon sản xuất chế tác bút ngọc trai và các sản phẩm về vỏ sò, ngọc trai... Bút ngọc trai được chế tạo thủ công hoàn toàn từ các nguyên liệu thiên nhiên như vỏ ngọc trai, vàng, đồng… Xuân Quyên đến chương trình để kêu gọi 4 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Vốn điều lệ của BluSaigon là 5 tỷ đồng và thực góp là 4 tỷ đồng.
Nữ CEO cho biết bút ngọc trai có tiềm năng trở thành sản phẩm quà tặng quốc gia, cũng như khả năng mang lại lợi nhuận cao với thị trường lên tới 40 tỷ USD cùng lợi nhuận lên tới 400 triệu USD mỗi năm. BluSaigon đã được nhiều đối tác từ Mỹ, Úc và Canada liên hệ, ngỏ ý muốn trở thành nhà phân phối độc quyền.
Hiện giá sản phẩm bút ngọc trai dao động từ 1,2 triệu đến 20 triệu đồng mỗi chiếc, thấp hơn nhiều các sản phẩm tương tự làm từ nước ngoài, vốn có giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ngoài bút ngọc trai, BluSaigon còn có các dòng sản phẩm khác được làm từ ngọc trai, ốc, vỏ sò như đồ trang sức, ốc dán tường,…
Về kết quả kinh doanh, startup thành lập năm 2019 và chủ yếu tập trung vào giai đoạn R&D. Sang đến 2020, BluSaigon ghi nhận doanh thu 3 tỷ đồng, lợi nhuận 20%. Startup định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thiết kế, đầu tư trải nghiệm người dùng nhằm đạt tới tầm quà tặng quốc gia Việt Nam.
CEO Xuân Quyên cho biết, cô đặt kế hoạch kinh doanh năm nay đạt doanh thu 10 tỷ đồng, năm sau 20 tỷ, các năm sau nữa là 30 tỷ, 40 tỷ và 50 tỷ.
"Lãi em đang có 600 triệu đồng nhưng lại định giá công ty lên 40 tỷ, gấp gần 100 lần, em dựa vào đâu?", Như thường lệ, Shark Phú lên tiếng hỏi về tình hình tài chính của công ty. Ngoài ra, Shark Phú cho rằng ngành thủ công mỹ nghệ quy mô không lớn, khó tăng trưởng nhanh, ông khuyên CEO Tôn Nữ Xuân Quyên nên duy trì dạng công ty gia đình, không cần tách riêng ra để gọi vốn bên ngoài. Chưa kể ngành này nằm ngoài hệ sinh thái của Sunhouse nên Shark Phú từ chối đầu tư.
Shark Liên cũng ra quyết định tương tự với bạn cùng bể dù đánh giá cao độ tinh xảo và vẻ đẹp của sản phẩm. Shark Liên nhìn nhận để phát triển thương hiệu đạt đến tầm quốc gia, tặng quà cho các nguyên thủ, chính khách... thì cần tốn rất nhiều thời gian và tiền của trong khi bà đã lớn tuổi, không thể kiên trì với startup trong thương vụ này.
Dù thuộc tuýp đầu tư mạo hiểm nhưng nhận thấy không có thế mạnh với sản phẩm của startup nên Shark Nguyễn Hòa Bình từ chối đầu tư. Thay vào đó, Shark Bình đề xuất sẽ hỗ trợ startup ở mảng bán hàng trên thương mại điện tử.
Trong khi đó, Shark Hưng tỏ ra khá hào hứng với sản phẩm bút ngọc trai của BluSaigon. Vị cá mập cho rằng startup nên đầu tư vào câu chuyện thương hiệu, thay vì chỉ chú ý đến chi phí sản xuất sản phẩm. Tự tin với khả năng kinh doanh sản phẩm cao cấp, Shark Phạm Thanh Hưng đưa ra đề nghị 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần.
Shark Nguyễn Thanh Việt cũng hào hứng với sản phẩm của BluSaigon nên đưa ra đề nghị thấp hơn Shark Hưng là 4 tỷ đồng cho 32% cổ phần. Ông cũng gợi ý nên đưa vào sản phẩm những câu chuyện về danh nhân nước Việt như tích Thần Siêu Thánh Quát, Đài Nghiên Tháp Bút, Tả Thiên Thanh... thay vì các vị thần Hy Lạp.
Lên tiếng ủng hộ Shark Việt, Shark Bình nhận định với đề nghị này, mức định giá trước đầu tư của BluSaigon lên đến 8,5 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với số vốn bỏ ra. "Được gấp đôi (về giá trị) trong vòng chưa được một năm, có đi buôn đất cũng chẳng được một năm gấp đôi đâu".
Sau khoảng thời gian ngắn trao đổi với bố, CEO Tôn Nữ Xuân Quyên mong muốn có cả 2 Shark tham gia vào startup. Tuy nhiên, Shark Việt yêu cầu cô chỉ được chọn 1. Cuối cùng, startup về team Shark Việt vì nhận thấy vốn kiến thức sâu rộng của vị cá mập về lịch sử văn hóa Việt Nam, cũng như sự mở lòng với các sản phẩm mới.
Nhật Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị