Ít nhất 21 vận động viên đã thiệt mạng khi tham gia cuộc thi chạy siêu việt dã 100km trên núi tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào cuối tuần qua, theo SCMP. Họ mắc kẹt trong thời tiết giá rét trên núi mà không có dụng cụ bảo hộ.
Đây là một trong những tai nạn chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử thể thao Trung Quốc. Công chúng phẫn nộ trước khâu quản lý yếu kém của thành phố Bạch Ngân.
Trong số các nạn nhân có Liang Jing và Huang Guanjun, hai trong số những vận động viên chạy việt dã giỏi nhất đất nước. Liang đã giành chiến thắng tại giải Ultra Gobi Trung Quốc năm 2018 và về thứ 2 trong cuộc đua siêu đường mòn tại Hong Kong năm 2019. Huang là nhà vô địch marathon năm 2018 trong phần thi dành cho người khiếm thính của thế vận hội Paralympic quốc gia 2019.
Các vận động viên trước giờ xuất phát, sáng thứ 7 ngày 22/5.
Trong cuộc họp báo hôm chủ nhật, thị trưởng Zhang Xuchen của thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, nơi xảy ra vụ việc đã cúi đầu xin lỗi các gia đình nạn nhân.
"Đây là một sự cố đáng tiếc do sự thay đổi thời tiết đột ngột. Với tư cách là đơn vị tổ chức sự kiện, chúng tôi vô cùng tiếc nuối và hối hận. Chúng tôi xin lỗi gia đình các nạn nhân và gửi lời chia buồn tới mọi người. Chính quyền của tỉnh Cam Túc cũng đã cử đội đặc nhiệm để theo dõi cuộc điều tra, cứu nạn", ông Zhang nói.
Trong những năm gần đây, các cuộc thi chạy đường dài đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc bởi sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Chạy bộ đã trở thành một thú vui giải trí phổ biến.
Các cuộc thi chạy việt dã thường được tổ chức ở những vùng hẻo lánh với số tiền thưởng hấp dẫn để thu hút sự tham gia của đông đảo mọi người. Chính quyền các tỉnh ở miền Tây Trung Quốc như Vân Nam, Cam Túc, Tứ Xuyên đã dành quỹ để tổ chức các cuộc thi thể thảo như một phần của chiến lược phát triển du lịch.
Cuộc thi việt dã diễn ra hôm thứ 7, xuất phát từ Công viên Rừng Đá Hoàng Hà ở Bạch Yến. Gần 10.000 người đăng ký tham dự sự kiện chia thành 3 nhóm: Người mới bắt đầu, 21 km chạy việt dã và 100 km chạy siêu việt dã. Thời tiết chuyển biến xấu vào khoảng 13 giờ chiều khi các vận động viên đang ở chặng đua 20-31km, ở độ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển.
Các vận động viên chỉ mặc quần đùi, áo ngăn, họ rất ít có khả năng chống chọi khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Một số người đã bị hạ thân nhiệt trong khi một số người bất tỉnh vì lạnh. Khi chứng kiến một số vận động viên gặp sự cố, ban tổ chức đã hủy bỏ sự kiện và triển khai các biện pháp cứu hộ.
Tổng cộng 21 người được xác nhận là đã tử vong, 151 người khác được cứu, trong đó có 8 người bị thương nhẹ.
Các vận động viên cố ngồi cạnh nhau để chống chọi lại thời tiết băng giá. Ảnh: Weibo.
Trả lời phỏng vấn với SCMP, một người sống sót sau vụ việc cho biết, không có dự báo về thời tiết khắc nghiệt trước khi cuộc thi bắt đầu. Cái lạnh khiến thách thức của địa hình đồi núi trở nên trầm trọng hơn. Anh này cho biết, ngay khi thời tiết bắt đầu xấu đi, anh vẫn tiếp tục cuộc đua. Trong khi đó, những vận động viên ở phía trước anh, bao gồm cả những người ưu tú đang lần lượt ngã xuống.
Trước khi bắt đầu cuộc thi, ban tổ chức yêu cầu mỗi người đóng góp 1.600 nhân dân tệ (248 USD) phí ghi danh. Khi đó, anh đã quyết định tham gia. "Liệu đó có phải là cách tổ chức xứng đáng cho số tiền chúng tôi bỏ ra. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại suy nghĩ đó, tôi chỉ muốn tự tát mình", anh viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Theo vận động viên này, trong một phần thi, các thí sinh phải chạy leo dốc trong quãng đường 8 km. Mặt đường đầy đá, bùn đất trong khi thời tiết xấu, gió mạnh, mưa lớn và tầm nhìn hạn chế. "Từ thời điểm đó trở đi, bạn chỉ có thể tiến lên mà không thể quay lại… Đó là đoạn đường mà xe máy cũng không thể tới được nên không có đồ ăn và nước uống".
Công viên đá Hoàng Hà, nơi xảy ra thảm kịch thể thao.
"Tôi đã hoàn toàn ướt đẫm và gần như không thể đứng vững. Tôi tìm thấy một chỗ trú và cố làm ấm bằng chiếc chăn giữ nhiệt mỏng manh. Nhưng chiếc chăn giữ nhiệt duy nhất cũng bị gió thổi bay. Tôi thấy chăn của những người khác bị gió mạnh xé thành nhiều mảnh".
Một vận động viên khác cho biết, anh không thể cảm nhận được ngón tay dường như đang đông cứng của mình. "Tôi đưa ngón tay vào miếng để làm ấm chúng, nhưng chẳng cảm thấy gì. Thậm chí, lưỡi của tôi cũng đông cứng".
"Tôi quyết định bỏ cuộc và chạy xuống dốc khi nhận ra các triệu chứng hạ thân nhiệt. Thật sáng suốt và may mắn khi tôi đưa ra quyết định đó".
Trên đường chạy xuống, anh còn nhìn thấy nhiều vận động viên khác bất tỉnh. Nhưng anh không có đủ sức để giúp người khác. Rất khó để theo dõi các vận động viên khác vì tín hiệu GPS trên núi rất kém. Ngoài việc hạ thân nhiệt, một số vận động viên còn bị thương, ngã.
Ma Shuzhi, một trong số những vận động viên nữ sống sót sau sự kiện được trang Chengdu.cn dẫn lời rằng: "Tôi cảm thấy may mắn khi còn sống".
Theo Tân Hoa xa, các nỗ lực cứu hộ gặp nhiều trở ngại bởi độ cao của địa hình và thời tiết xấu.
Nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân trên sườn núi. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Theo SCMP
Hoàng Lan
Doanh nghiệp tiếp thị