Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được thành tích này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Moody’s, S&P và Fitch đều là các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới. Đánh giá trên cũng đồng thời ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế” trong công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Nhóm tăng trưởng cao nhất toàn cầu
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings (“S&P”) mới đây thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ ổn định lên "Tích cực".
Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: "Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước và nâng cao vị thế tín nhiệm quốc gia".
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các cơ quan Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để truyền tải thông điệp về quyết tâm, nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Điểm sáng mà S&P dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt trong những năm tới là vị thế điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.
"Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch trong nước" - S&P nhận định.
Việt Nam quay lại tăng trưởng khi thế giới mới chỉ bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng
Khối nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng khi kinh tế thế giới mới chỉ bắt đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Theo HSBC, Việt Nam đã làm được điều này với một thương hiệu quốc gia được củng cố bởi hoạt động quản lý khủng hoảng hiệu quả trong năm 2020.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - đánh giá cao cách mà Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng ứng phó với đại dịch. Ông Tim Evans cho rằng năm 2020 đã chứng kiến hoạt động khá tốt của ngành Ngân hàng Việt Nam và triển vọng ngành này sẽ vẫn tích cực trong thời gian tới nhờ các yếu tố như: Nhu cầu tín dụng ngày càng tăng, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu tín dụng, lợi ích của nguồn vốn rẻ sau những đợt cắt giảm lãi suất chính sách diễn ra trong năm 2020.
“Các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam là rất đáng ghi nhận, những chính sách này đã được áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả giúp cho nền kinh tế được vận hành ổn định và giữ được đà tăng trưởng trong tình hình kinh tế thế giới bị suy thoái” - ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB Việt Nam nhận định.
Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - đánh giá “đại dịch COVID-19 gây ra những thách thức chưa từng có tiền lệ, nhưng Việt Nam tiếp tục mang đến cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn. Với các yếu tố nền tảng như kinh tế mở, dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa ngày càng phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nhiều năm qua và có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.
Chúng tôi tin rằng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong trung hạn sẽ duy trì mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong công tác kiểm soát đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91%, mặc dù thấp nhất trong gần 30 năm, nhưng đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia Châu Á và nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm qua”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia của Công ty chứng khoán KBSV dự báo thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc mặc dù phải đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các quốc gia ASEAN và Ấn Độ. CPTPP và EVFTA đã có hiệu lực, và RCEP vào nửa cuối năm 2021 giúp Việt Nam có lợi thế tự do thương mại đối với đối tác thương mại lớn, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và ổn định chính trị giúp hoạt động sản xuất hồi phục trở lại là yếu tố tạo sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cơ hội vàng cho xuất khẩu
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán BSC, trong bối cảnh tình trạng tiêm phòng đã gần hoàn thành trên cả nước Mỹ, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý này. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
Trong tháng 4.2021, tình hình hồi phục kinh tế tại Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục củng cố tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. BSC ước tính dự báo xuất khẩu năm 2021 đạt mức 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KBSV cũng đưa ra dự báo xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong thời gian còn lại của năm, với sự hồi phục của nhóm ngành xuất khẩu truyền thống.
Hoạt động sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam đang trên đà hồi phục mạnh mẽ kể từ tháng 4.2020. Chỉ số PMI trong tháng 3 đã cho thấy các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng và thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ bảy liên tiếp trong khi số lượng đơn đặt hàng mới xuất khẩu tăng mạnh nhất kể từ tháng 11.2018.
Động lực của ngành sản xuất hiện vẫn còn rất mạnh, đặc biệt từ ngành điện tử. Số lượng đơn hàng mới liên tục tăng trong vòng nhiều tháng qua tại các quốc gia trụ cột trong chuỗi giá trị như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
“Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ trên, khi Việt Nam ngày càng củng cố vị thế với tư cách là trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á. Các hiệp định FTAs sẽ tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết cho các ngành công nghiệp của Việt Nam và việc xóa bỏ thuế quan sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm sản xuất điện thoại và các sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, nông sản (gạo và cà phê) và thủy sản (cá da trơn và tôm)” - chuyên gia của KBSV cho biết.