Gần 44,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng năm 2021, tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký 340,3 nghìn lao động - đạt kỷ lục cao nhất từ 2017 đến nay.
Doanh nghiệp dần thích nghi, nhà đầu tư tin tưởng
Trao đổi với PV Lao Động chiều 23.5, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng phát triển bằng các hướng đi mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm (số lượng tháng 5.2021 chưa được Tổng cục Thống kê công bố) tăng 17%, số vốn đăng ký bình quân đạt 14,2 tỉ đồng/doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang thích nghi dần với khó khăn của dịch bệnh, cố gắng cầm cự, phát triển, vượt qua đại dịch.
“Đây là số doanh nghiệp thành lập mới có mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2017-2021 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế” – bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) cho hay, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề kinh doanh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh chứng tỏ các nhà đầu tư trong nước đã tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện cũng tăng lên, thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực triển khai các dự án.
"Niềm tin kinh doanh cũng tăng, thể hiện đến 86% doanh nghiệp trong công nghiệp chế biến chế tạo cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hoặc tốt hơn; chỉ khoảng 16% cho rằng quý 2 sẽ khó khăn hơn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến
Tiếp tục khó khăn, nhưng không bi quan
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) tỏ ra lạc quan: Số lượng doanh nghiệp giải thể cũng cao, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ nhỏ. Đây là xu hướng đổi mới, tái cấu trúc trong thương mại sang hướng kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số.
"Tất nhiên, nó cũng đang phản ánh có 1 số doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt trong nhóm dịch vụ thương mại đang gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn" - PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ bài bản, căn cơ hơn.
"Tôi đã nhiều lần đề xuất thành lập một tổ hợp tín dụng lên đến 300 nghìn tỉ đồng với sự tham gia của tất cả các ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COIV-19 và hi vọng được Chính phủ xem xét, nhanh chóng triển khai, thực hiện" - PGS TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Xem thêm: odl.437219-nauq-uhc-gnohk-gnuhn-nauq-cal-cul-yk-gnat-iom-pal-hnaht-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal