Bộ Nội vụ cho biết theo báo cáo nhanh của các địa phương đến 21h ngày 23-5, cả nước có hơn 69,54 triệu cử tri, trong đó số đi bầu là hơn 69,24 triệu người (đạt tỷ lệ 99,57%).
Các địa phương đều có tỷ lệ đạt từ 97% trở lên; địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh Hậu Giang (99,99%); Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%); Lai Châu,Vĩnh Long, Bến Tre (99,97%); Bình Phước, Hà Giang, Quảng Nam (99,96%).
Kiểu phiếu ở một điểm bầu cử tại quận 4, TP.HCM. Ảnh: PLO
Theo Bộ Nội vụ, so với báo cáo của địa phương trước ngày bầu cử, tổng số cử tri tại thời điểm kết thúc cuộc bầu cử có biến động, tăng gần 345 nghìn.
Bộ Nội vụ đánh giá mặc dù dịch bệnh COVID đang diễn ra phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công.
“Cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, an toàn, tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp”- báo cáo nêu rõ.
Dù vậy, cuộc bầu cử cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong ngày bầu cử, một số địa phương đã gặp thời tiết có mưa, gió lớn, mất điện. Một số tổ bầu cử còn cách xa trung tâm nên khó khăn trong việc đi bầu, một số khu vực bỏ phiếu phải mượn nhà dân.
Cạnh đó, một số cử tri chưa nắm được quy định nên còn tình trạng về địa phương xin cấp thẻ cử tri, nộp giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác sau giờ khai mạc bầu cử nên địa phương không thể bổ sung vào danh sách cử tri để tham gia bỏ phiếu theo quy định.
“Một số tỉnh như Hưng Yên, Đắk Nông, Quảng Bình đã in sai họ hoặc tên đệm của người ứng cử”- báo cáo nêu và cho biết Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời chỉ đạo tạm dừng bầu cử, niêm phong hòm phiếu số phiếu sai sót, lập biên bản và cho in lại phiếu bầu. Các Tổ bầu cử đã tiếp tục và hoàn thành tổ chức bầu cử theo quy định.
“Mặc dù gặp một số khó khăn nhất định nhưng các địa phương trong cả nước đã khắc phục và tổ chức thành công cuộc bầu cử, kết thúc vào lúc 19h ngày 23-5-2021”- báo cáo khẳng định.
Cuối bản báo cáo, Bộ Nội vụ nêu sáu kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, Bộ đề nghị UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để chỉ đạo thực hiện các công việc tiếp theo sau ngày bầu cử, kịp thời tổng hợp kết quả bầu cử, giải quyết các khiếu nại tố cáo liên quan đến bầu cử theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, cơ quan trung ương để xem xét, giải quyết.