Lãnh đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội khẳng định cơ quan này không hề đề xuất mua mới 93 ô tô - Ảnh: Đ.BÌNH
Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trao đổi như vậy với Tuổi Trẻ Online chiều 24-5 về thông tin bộ này có đề xuất trang bị, mua sắm 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác như dư luận nêu.
Giải thích cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết thực hiện quy định của Chính phủ về "quy định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô", đầu năm 2020 bộ này đã yêu cầu các cục, vụ, viện, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ rà soát, qua đó tổng hợp nhu cầu trang bị, mua sắm ô tô chuyên dụng phục vụ công tác trong những năm tới.
Qua rà soát, kết quả tổng hợp các đơn vị có nhu cầu trang bị 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác.
Trong đó có 65 xe có gắn thiết bị chuyên dùng hoặc xe gắn biển hiệu (xe phát thanh, truyền hình lưu động, xe chuyên chở và bảo quản hài cốt liệt sĩ, đề nghị mua mới 65 xe); 11 ô tô bán tải; 17 ô tô từ trên 16 chỗ chở lên.
Khi nêu nhu cầu, các đơn vị cũng cập nhật luôn giá từng chiếc xe, nguồn kinh phí.
Theo đó, mỗi chiếc xe dự kiến mua sắm mới sẽ có giá 1 - 3,6 tỉ đồng/xe (tùy loại) và kinh phí mua xe sẽ lấy từ ngân sách nhà nước với đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước cấp, hoặc tự chủ một phần; đơn vị đã tự chủ chi tiêu hoàn toàn sẽ tự đảm bảo kinh phí mua xe.
Tổng hợp nhu cầu này, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã gửi Bộ Tài chính để xin ý kiến theo quy định của Chính phủ.
Đầu năm 2021, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội làm rõ các xe chuyên dùng được gắn biển hiệu như đề xuất (gồm "xe kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, người có công", "xe kiểm tra phòng chống tệ nạn xã hội", "xe kiểm tra thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn", "xe đưa đón học viên, giáo viên"…) có đúng quy định pháp luật không.
Đồng thời đề nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội nêu rõ nhiệm vụ đặc thù, tần suất sử dụng, biên chế của các cơ quan, đơn vị đề nghị thỏa thuận định mức trang bị xe.
"Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi đề xuất được trang bị ô tô chuyên dùng phải báo cáo làm rõ cơ sở pháp lý, mục đích sử dụng.
5 năm qua bộ không hề mua sắm mới 1 chiếc ô tô nào, ngay thứ trưởng như tôi cũng sử dụng chiếc xe cũ 13 - 14 năm tuổi.
Việc rà soát nhu cầu các đơn vị là theo hướng dẫn. Các đơn vị tổng hợp nhu cầu sử dụng là cần từng đấy xe, nhưng cái này còn phải trao đổi, xin ý kiến của Bộ Tài chính.
Kể cả khi Bộ Tài chính đồng ý, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng không hẳn sẽ đề xuất mua một lúc mấy chục ô tô như vậy, và việc này còn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", bà Hà nói.
Có nhiều lý do khiến việc bàn mua ôtô dễ đi vào ngõ cụt. Một trong những nguyên nhân chính dễ thấy nhất đó chính là thói quen bàn lùi của người Việt.