Nghệ sĩ Hoài Linh - Ảnh: GIA TIẾN
* Công chúng, những người đã trao tin tưởng cho Hoài Linh nói gì?
Trước hành động của Hoài Linh, không ít khán giả, người hâm mộ danh hài bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí cả thất vọng. Khán giả Hà Phan viết: "Nhìn Thủy Tiên đi thuyền trong mênh mông nước và hàng loạt nghệ sĩ khoác áo phao trao tặng quà cho bà con ngay khi nước chưa rút, tôi không hiểu Hoài Linh có ngại ngùng với lời giải thích muộn màng của mình?
COVID-19 luôn là lý do chính đáng cho những lần nữa không đúng hẹn hay việc làm chưa đúng dịp. Nhưng Hoài Linh viện lý do này thì quá ư khiên cưỡng khi 6 tháng qua chỉ 2 lần dịch bùng lại và tổng cộng cũng chỉ trên dưới 2 tháng. Trên tất cả là số tiền rất lớn với bà con đang rất cần ấy lại mang danh cứu trợ lũ lụt miền Trung đợt tháng 10-2020 vẫn nằm trong ngân hàng đến tận bây giờ.
Cứu trợ như thế có ý nghĩa gì đâu thưa anh Hoài Linh? Chậm trễ như vậy còn gì là giúp bà con trong cơn hoạn nạn thưa danh hài? Hơn 14 tỉ ấy để trong ngân hàng 6 tháng qua chắc cũng tròm trèm hơn nửa tỉ tiền lãi rồi tính sao đây?".
Và rất nhiều câu hỏi về 6 tháng im lặng lạ lùng: "6 tháng trôi qua, không ai biết Hoài Linh đã dùng hơn 14 tỉ ấy vào việc gì, trao cho ai hoặc chuyển khoản đến địa chỉ nào cần giúp đỡ. 6 tháng ấy Hoài Linh không một dòng thông báo, không một câu đề cập cho đến tận sáng nay với giải thích không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình.
6 tháng qua biết bao cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và Nhà nước... đã hết đợt này đến đợt khác đến với bà con bị lũ lụt tàn phá nặng nề. 6 tháng ấy có rất nhiều ngày liên tục không hề dịch giã hoành hành hay bùng phát và nếu muốn, không ít dịp để Hoài Linh có thể thực hiện lời hứa chu toàn".
Hay như ý kiến của một độc giả khác: "Lẽ ra là một nghệ sĩ lớn, danh hài nổi tiếng thì Hoài Linh không cần chờ công chúng yêu cầu, cộng đồng bức xúc và báo chí đặt dấu hỏi thì mới lên tiếng trả lời. Làm như thế và giải thích như vậy, Hoài Linh đang tự đánh mất uy tín của mình, điều hoàn toàn không đáng và không nên có với một tên tuổi như anh".
Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc một số ý kiến trao đổi của chuyên gia và nghệ sĩ có thâm niên kinh nghiệm trong việc làm từ thiện.
NSND Kim Cương (thứ hai từ trái qua) cùng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, các công nhân, hậu đài tại một chương trình Nghệ sĩ tri âm - Ảnh: LINH ĐOAN
* NSND Kim Cương: Cầm tiền phải minh bạch cho... yên thân
NSND Kim Cương có thâm niên tham gia công tác thiện nguyện gần 50 năm nay và trong những lần gặp gỡ các nghệ sĩ thế hệ sau đang tiếp nối bà tham gia các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, bà luôn dặn dò: "Làm từ thiện càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì càng yên tâm cho người cho và nhẹ nhàng cho người nhận".
Các khoản tiền đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ bà đều đề nghị chuyển cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Mỗi khi bà muốn sử dụng khoản tiền đó đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Cách làm này của bà để mong có sự giám sát, minh bạch.
Bà nói: "1 đồng, 2 đồng có thể không tham, nhưng biết đâu mấy chục triệu, mấy trăm triệu mình sẽ chạnh lòng. Vì vậy, có người kiểm tra sẽ yên tâm và cũng giữ được lòng mình".
Nghệ sĩ Kim Cương tỏ ra thông cảm với các nghệ sĩ trẻ đang làm từ thiện hiện nay: "Các hoạt động từ thiện của tôi có kinh phí tương đối nhỏ, chỉ tầm 1, 2 tỉ nên mỗi khi tôi tổ chức mổ mắt, mổ tim cho người nghèo đều có thể mời những nhà hảo tâm đã hỗ trợ đến để chứng kiến, vừa chia sẻ niềm vui của người nghèo vừa có thể kiểm soát được số tiền mình đã hỗ trợ.
Còn các em kêu gọi số tiền lên tới mười mấy tỉ cũng rất khó. Mỗi khi đi trao nơi xa thì những người hỗ trợ thời giờ đâu mà đi cùng… Nên làm gì thì làm, mình cố gắng bằng mọi cách minh bạch, rõ ràng thì mới gắn bó được lâu dài với hoạt động ý nghĩa này".
* Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng NHQuang & Cộng sự):
Thiếu chuyên nghiệp sẽ gặp rắc rối pháp lý
Hoài Linh có cái sai là tính kịp thời chi tiêu tiền cứu trợ không được bảo đảm. Người góp tiền từ thiện luôn mong muốn đồng tiền mình góp được sử dụng đúng mục đích, gồm cả việc đúng thời điểm. Hoài Linh chỉ làm muộn thôi, chưa nói đến chuyện gì khác, người góp tiền có quyền trách nghệ sĩ, phải chấp nhận.
Nghệ sĩ nhận tiền quyên góp từ thiện từ người hâm mộ là nhận một "món nợ". Làm từ thiện nghĩa là làm vì cộng đồng, phải coi đó là việc quan trọng của mình để ưu tiên làm sớm.
Ngoài việc chậm làm từ thiện, Hoài Linh cũng mắc sai lầm là không có giải trình minh bạch. Dù Hoài Linh đã chuyển được hay chưa chuyển được số tiền quyên góp từ thiện thì hiện số tiền có bao nhiêu, giữ ở tài khoản nào, kế hoạch xử lý tiền đó ra sao thì anh phải thông tin công khai. Bằng không, để mọi người phát hiện ra như Hoài Linh mấy ngày qua thì đó là sai sót của anh, cần khắc phục nhanh.
Về khung pháp luật, hiện nay chưa có pháp luật hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu này. Một số văn bản quy định như nghị định 64 (2008) và 93 (2019) nhưng không tương thích, không đầy đủ. Nghị định 64 cấm cá nhân không được làm từ thiện theo tôi là nên bỏ, thay vào đó là nên cho phép các cá nhân như các nghệ sĩ được làm từ thiện nhưng cần đưa ra cách thức, tiêu chuẩn cho hoạt động từ thiện này, đồng thời có cơ chế để bên thứ ba, ví dụ như chính quyền có thể giám sát việc làm từ thiện của các cá nhân để bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Nhưng hiện nay pháp luật đang thiếu những điều này, việc nghệ sĩ huy động quyên góp làm từ thiện trở thành quan hệ dân sự thông thường giữa bên cho và bên nhận nên mới dẫn đến những chuyện rắc rối.
Nghệ sĩ có trái tim nhân ái, lại có tên tuổi hình ảnh nên họ có thể làm tốt việc kêu gọi quyên góp từ thiện hơn người bình thường.
Nghệ sĩ khi làm từ thiện, một việc rất phức tạp và mất thời gian, rất cần phải có sự tư vấn về cách làm từ các luật sư có kinh nghiệm, một người hỗ trợ pháp lý, để bảo vệ cho chính mình, bởi chỉ cần chút sơ sẩy là rất dễ gặp rắc rối pháp lý, thành vi phạm pháp luật - tội lạm dụng lòng tin của người khác.
* Một lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính: Người đứng ra quyên góp phải có trách nhiệm công khai việc sử dụng số tiền
Theo Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 6.
Để đảm bảo tiền quyên góp từ thiện đến kịp thời với người dân bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền nơi mình cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động.
Còn khi đi làm từ thiện thì cá nhân đứng ra vận động, từ thiện phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương - nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Bởi chính quyền nơi tiếp nhận là nắm tốt nhất thông tin trên địa bàn của họ có những ai không may bị ảnh hưởng, thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai… và mức độ như thế nào.
Tư duy xây dựng chính sách lần này là quy định phải đảm bảo quyền lợi của người làm từ thiện. Vì từ trước đến nay, dư luận không quan tâm nhiều đến quyền lợi của người đóng góp.
Do đó, ngoài quy định trên, cá nhân đứng ra huy động, vận động từ thiện còn phải có trách nhiệm công khai nguồn đóng góp tự nguyện như qua Facebook, email,... cho cá nhân, tổ chức tài trợ, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.
Về thời gian chuyển tiền hỗ trợ, vị lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước cho biết quy định tới đây cũng xử lý việc này. Theo đó, cá nhân đứng ra vận động, quyên góp từ thiện sẽ cam kết với nhà tài trợ là thời gian triển khai việc này. Mặt khác, địa phương tiếp nhận tài trợ cũng phải có quy định thời gian tiếp nhận khoản tài trợ đến khi nào.
"Trường hợp hết thời gian tiếp nhận mà số tiền tài trợ chưa trao hết thì cá nhân đứng ra kêu gọi, vận động từ thiện sẽ phải công khai đã số tiếp nhận, tiền đã hỗ trợ và số dư nếu còn là bao nhiêu. Nguồn vận động, tài trợ phải được công khai, minh bạch", vị này cho hay.
TTO - Nghệ sĩ Hoài Linh vừa lên tiếng về số tiền anh kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt vào tháng 11-2020 đang gây ồn ào dư luận.