VinMart+ đang dần trẻ hoá?
Masan Group vừa công bố thương vụ mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage với mức giá 15 triệu USD, định giá công ty 75 triệu USD. Song song với đó, hai bên thỏa thuận chiến lược phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc.
Phúc Long, một trong những thương hiệu đồ uống ưa thích của giới trẻ có thể giúp cho VinMart+ tiếp cận một cách dễ dàng hơn nữa với nhóm đối tượng khác hàng này.
Cho dù là thương hiệu trà hình thành từ cách đây 50 năm, nhưng Phúc Long mới chỉ nổi lên với là chuỗi cửa hàng đồ uống trong khoảng 6 – 7 năm trở lại đây.
Hợp khẩu vị giới trẻ, và tạo hiệu ứng tích cực, Phúc Long tăng trưởng hết sức nhanh chóng trong thời gian ngắn. Phúc Long hiện nằm trong top 5 chuỗi cửa hàng trà – cà phê lớn nhất Việt Nam. Doanh thu năm 2019 đạt gần 800 tỷ đồng, ngang ngửa Starbucks.
Mô hình kết hợp VinMart+ và Phúc Long
VinMart+ hiện tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với hộ gia đình. Trong khi đó, Circle K đại diện cho mô hình cửa hàng tiện ích phục vụ giới trẻ. Circle K hoạt động 24/7 với cơ cấu sản phẩm chủ yếu bán đồ uống, đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt… đồng thời có không gian cho khách hàng nghỉ chân.
Ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc VinCommerce nói rằng "sẽ biến chuỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam". Ở đây, "mọi lứa tuổi" có lẽ là từ khóa quan trọng trong chiến lược của VinCommerce thời gian tới.
Phúc Long sẽ trở thành chuỗi đồ uống có thương hiệu lớn nhất Việt Nam
Mô hình Kiosk Phúc Long đã được Masan thử nghiệm trong vòng 3 tháng và thu về kết quả thành công. Masan đặt mục tiêu hoàn thành 1.000 Kiosk Phúc Long trong vòng từ 18 – 24 tháng.
Nếu đạt được độ phủ này, Phúc Long sẽ trở thành chuỗi đồ uống có thương hiệu quy mô lớn nhất Việt Nam. Điều này có thể thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng của Phúc Long.
Theo kế hoạch, Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinMart+. Dựa trên kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác có khả năng tăng biên lợi nhuận cho hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.
Hết năm nay, cái tên VinMart sẽ không còn và được chuyển đổi thành WinMart. Ông Trương Công Thắng nói việc chuyển đổi sẽ không phải là "bình mới rượu cũ", mà "bình mới rượu mới", tức là WinMart sẽ phải có cả những thay đổi về chất.
Thách thức để trở thành Point of Life
Trong định hướng dài hạn, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan muốn biến WinMart+ trở thành Point of Life, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Khi đó, Masan sẽ cung cấp từ nhu yếu phẩm, đời sống tài chính, cho đến cuộc sống số. Nhóm sản phẩm – dịch vụ này giúp công ty tiếp cận tới 80% ngân sách chi tiêu. Thực tế về mảng tài chính, Masan đã công bố đối tác thực hiện "không ai khác" ngoài Techcombank.
Để đạt được mục tiêu đó, Masan theo thời gian sẽ phải mở rộng dần gói sản phẩm của mình để tiếp cận nhiều hơn "ví tiền" của khách hàng. Mở rộng tập khách hàng đa dạng hơn vì thế cũng là một định hướng quan trọng.
Ông Trương Công Thắng hứa hẹn về diện mạo mới của VinMart+, trong tương lai trở thành WinMart+
Nhưng việc tích hợp dịch vụ một cách đa dạng đòi hỏi cơ sở vật chất của WinMart+ cũng phải đáp ứng theo. Công ty sẽ không thể có khả năng phục vụ một lượng khách hàng đông đảo với mức độ hài lòng cao nhất mà không có những cải tiến về "chất" như lời ông Trương Công Thắng nói.
Điều này sẽ bao gồm một cửa hàng với không gian rộng rãi hơn, nhân viên được đào tạo để đa nhiệm hơn, bên cạnh đó quy trình thanh toán một cách nhanh chóng… Những thay đổi này có thể kéo theo biến đổi đáng kể trong cơ cấu chi phí vận hành, nhất là khi quy mô ngày càng mở rộng.
Bạch Mộc
Nhịp sống kinh tế