Từ một môn võ công (nhất dương chỉ), đến một loại dược phẩm (dầu gió Nhị Thiên Đường ), văn hóa phẩm (lịch Tam tông miếu), tệ nạn xã hội (tứ đổ tường), gia vị (ngũ vị hương), món ăn đường phố (lục tào xá) đều được đưa vào câu nói quen thuộc để phản ánh đời sống tín ngưỡng và thói sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương.
Theo kiểu hiện đại bây giờ, bài đồng dao đó là sự tôn vinh Top những thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất. Qua đó ta có thể biết được những thứ nổi tiếng của miền Nam thập niên 1960 - 1970.
Một trong số 6 thương hiệu trên khá đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là tên sản phẩm mà còn là tên một địa điểm. Đó là Nhị Thiên Đường, vừa là tên một loại dầu gió, vừa là tên một cây cầu đến giờ vẫn là biểu tượng của TP.HCM.
LỌ DẦU TRỊ BÁCH BỆNH
Cầu Nhị Thiên Đường có nguồn gốc từ một thương hiệu dược phòng cách nay gần một thế kỷ. Người sáng lập ra Công ty Nhị Thiên Đường là Vi Thiếu Bá, một doanh nhân gốc Quảng Đông, thường được đánh giá là người “trọng nghĩa khinh tài” và có lòng từ thiện, “thí lạc thiện chi tâm, tế thế cứu dân chi cử”.
Vi Thiếu Bá tốt nghiệp trường kinh doanh và một số trường chuyên về y khoa của Pháp và chú tâm phát triển nền y học Trung Quốc kết hợp với nền y học phương Tây. Ông thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt và một số ngôn ngữ khác.
Ông Vi Thiếu Bá mất năm 1944 tại Hong Kong lúc 50 tuổi. Ông có hai vợ, 10 trai và 14 người con gái. (Ảnh: Internet)
Với sự nghiệp của mình, ông đã được nhà vua Bảo Đại Việt Nam và Vương quốc Campuchia trao thưởng các huân chương cao quý. Năm 1932, Vi Thiếu Bá được người Pháp trao “Long Bảo Tinh” về những cống hiến. Đây là một việc hiếm có với doanh nhân gốc Hoa ở hải ngoại.
Nhị Thiên Đường đã phát triển thương hiệu ở Việt Nam và Campuchia từ trước những năm 1930. Tại Việt Nam, hãng phát triển ở Chợ Lớn hai cơ sở là “Nhị Thiên Đường Dược Hành” (ngày nay thuộc đường Triệu Quang Phục, quận 5) và “Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng” (nhà máy sản xuất, nay thuộc đường Trần Hưng Đạo) với nhãn hiệu “ông Phật”.
Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường 47 rue de Canton (Sách Vệ sanh chỉ nam, 1929). (Ảnh: Internet)
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó.
Dầu được ưa chuộng đến nỗi không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng phân phối sản phẩm qua các thành phố lớn ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ, Phi Châu, Philippines và Trung Quốc.
Các sản phẩm của hãng vào lúc thịnh hành bao gồm: Vạn ứng Nhị thiên dầu ve vuông, phát lãnh hoàn, sâm nhung bổ thận hoàn, phụ khoa kim phụng hoàn, sâm nhung vệ sinh hoàn, cam tích tán, thối nhiệt hoàn, căn cơ tán...
NHỮNG CỘT ĐÈN HÌNH ĐAO KIẾM TRÊN CẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG
Hiện nay, Nhị Thiên Đường đã chấm dứt hoạt động sản xuất tại Việt Nam nhưng một cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường vẫn còn đó. Cầu Nhị Thiên Đường được khánh thành vào năm 1925. Thời điểm ấy, có rất nhiều giai thoại về tên của cây cầu.
Có giai thoại cho rằng trước đây nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi.
Hằng ngày các công nhân đi làm phải đi đò qua kênh Đôi, rất mất thời gian và nguy hiểm. Vì thương nhân viên, ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu, thuận tiện cho mọi người đi lại.
Trước khi 1 loạt cầu mới ra đời từ việc khởi công đại lộ Đông Tây thì Nhị Thiên Đường là cây cầu cao nhất ở vùng Chợ Lớn. Đây cũng được xem là cây cầu làm bằng xi-măng cốt thép đầu tiên ở Đông Dương. (Ảnh: Internet)
Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.
Cầu Nhị Thiên Đường không chỉ giúp ích cho cuộc sống người dân là còn là một di tích lịch sử, ghi dấu thời kỳ Nam Bộ kháng chiến ở Quận 8, TP.HCM.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chất cổ xưa nhất của cầu Nhị Thiên Đường nằm ở dưới chân cầu với 1 dãy dài các mái vòm gợi liên tưởng tới cây cầu huyền thoại của thành Rome, hay nhiều cây cầu cổ xưa nổi tiếng của Châu Âu. (Ảnh: Internet)
Nằm ở cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua quốc lộ 50, Nhị Thiên Đường dài chưa đầy 200m nhưng nổi bật với kiểu dáng cổ điển, thanh thoát với phần ban công thép và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ cây cầu nào khác.
Các cột xanh rêu trên cầu tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa, các mái vòm cong dưới chân cầu giống các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được thi công trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi xây hoàn toàn bằng bê tông cốt thép.
Năm 2003, cầu Nhị Thiên Đường 2 được khánh thành nhằm giảm áp lực cho cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu.
Cầu Thị Thiên Đường xuống cấp trầm trọng và được tu sửa vào năm 2017. (Ảnh: Internet)
Trải qua gần 1 thế kỷ với nhiều thăng trầm lịch sử, cầu Nhị Thiên Đường xuống cấp trầm trọng. Năm 2017, cầu được tu sửa với mức đầu tư 163 tỷ đồng và khánh thành vào ngày 19/10 sau 9 tháng thi công.
Sau khi tu sửa và nâng cấp, cầu Nhị Thiên Đường 1 nằm song song thay vì tách biệt với với cầu Nhị Thiên Đường 2 như trước kia.
Tổng chiều dài của tuyến đường khoảng 800 m, trong đó cầu Nhị Thiên Đường 1 được xây bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, dài 161,1m, rộng 12 m, cho ba làn xe trong đó cho phép xe siêu trường siêu trọng chạy qua.
Ngay khi đi được vào hoạt động, người dân TP.HCM mừng rỡ vì hai cây cầu góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn quận 8 do đây là trục giao thông hướng tâm, kết nối giữa quận 5, quận 8 với huyện Bình Chánh và đặc biệt kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
2 cầu Nhị Thiên Đường nằm song song sau khi được tu sửa, nâng cấp.
Cầu mới được thiết kế giữ nguyên nét kiến trúc cổ xưa đặc trưng với kiểu dáng cột đèn chiếu sáng. Ở hai đầu cầu là cột đèn hình thanh kiếm cao khoảng 3 m với tấm bảng đúc bằng gang gắn tên công trình "cầu Nhị Thiên Đường xây dựng năm 1925".
Ở giữa hai trụ đèn hình thanh kiếm là sáu trụ đèn hình thanh đao của cầu cũ cũng được dựng lại. Tuy nhiên, chỉ còn một hàng trụ đèn cổ xưa được phục dựng thay vì hai như nguyên trạng.
Cột đèn hình thanh kiếm với tấm bảng tên đúc bằng gang.
Bảng tên cầu được phục dựng như bảng tên cũ.
6 cột đèn hình thanh đao nằm giữa 2 cột đèn thanh kiếm ở 2 đầu cầu.
Hệ thống lan can cầu được làm bằng thép, cao khoảng một mét. Được nối tiếp với các trụ đèn led, tô điểm với trụ đèn hình chiếc lá độc đáo.
Theo một kỹ sư công trình, hình tượng này có ý nghĩa nói lên sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM như lá xanh vươn lên bầu trời. Còn các trụ đèn hình đao - kiếm ở giữa như nhắc về một thời binh đao khói lửa đã qua.
Phần lề bộ hành và phần đường dẫn của cầu được lát đá vàng. Những trụ đèn được lắp mới ở thành cầu. Ba đèn led hình chiếc lá bên dưới, phía trên đèn hình tròn là bầu trời, với ý nghĩa TP.HCM như lá xanh vươn lên bầu trời.
Hàng cây xanh tô điểm giữa hai cây cầu.
Được biết, Cầu Nhị Thiên Đường 1 có độ cao 3,9m so với mặt đường, có tĩnh không tương đồng với cầu Nhị Thiên Đường 2. Điều này tạo thuận lợi cho các loại xe dưới 10 tấn chạy trên cầu và tàu thuyền đi qua kênh Đôi.
Sau hành trình gần 100 năm tồn tại và 4 năm được trùng tu, sửa chữa, cầu Nhị Thiên Đường hiện tại vẫn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến nhiều giai đoạn đổi thay của đất nước và giúp ích không nhỏ cho cuộc sống của người dân TP.HCM.
Mai Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị