Vụ án mạng năm 1983
Ngày 25-9-1983, Ronnie Buie trình báo với cảnh sát ở thị trấn Red Springs, North Carolina về việc cô con gái Sabrina 11 tuổi của anh đã mất tích. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy thi thể của Sabrina, chỉ có một chiếc áo lót quấn sau gáy, trên một cánh đồng đậu tương. Cô bé đã bị cưỡng hiếp và chết ngạt do chiếc quần lót bị nhét vào miệng.
Tại khu vực hiện trường các vật chứng thu được bao gồm một mẩu thuốc lá, một số lon bia, bộ quần áo của Sabrina, hai chiếc gậy và một mảnh ván ép đều dính máu.
Một số vật chứng được tìm thấy trên cánh đồng đậu tương tìm thấy thi thể; các bằng chứng và dấu vết khác được tìm thấy ở một cánh đồng khác và cửa hàng tạp hóa Hardins thuộc thị trấn. Cảnh sát tin rằng đó là nơi Sabrina bị hãm hiếp và sát hại, trước khi thi thể cô bị lôi ra cánh đồng đậu tương.
Cảnh sát viên Larry Floyd của thị trấn Red Springs, người nhận báo cáo ban đầu về vụ mất tích, đã yêu cầu Ronnie Buie tìm hiểu xem có ai từ ngoài thị trấn đến Red Springs và có tiếp xúc với con gái anh. Vì đây là một thị trấn rất nhỏ có chưa đến 4.000 dân và vụ việc như thế này chưa từng xảy ra bao giờ.
Henry Mc.Collum trả lời báo chí khi được trả tự do năm 2014. |
Hai ngày sau, cảnh sát thẩm vấn Henry McCollum, một thanh niên 19 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đến từ New Jersey (IQ của anh sau đó được kiểm tra là 51). Chàng thanh niên đến thị trấn thăm mẹ anh.
Khi cảnh sát thẩm vấn McCollum lần đầu tiên, anh ta nói rằng anh ta nhìn thấy Sabrina đi bộ đến cửa hàng của Hardins vào khoảng trưa ngày 24-9. Anh phủ nhận mọi liên quan của mình đến tội ác.
Vào ngày hôm sau, một học sinh trung học nói với cảnh sát rằng có tin đồn tại trường rằng McCollum có liên quan đến vụ việc vì nhiều người thấy anh ta có những hành động đáng nghi.
Kết quả là McCollum tiếp tục bị đưa đến đồn cảnh sát chịu thẩm vấn trong hơn bốn giờ cho đến khi anh ta thú nhận đã tham gia phạm tội. McCollum nói rằng vào ngày 23-9, anh ta và bốn nam thiếu niên khác đã đưa nạn nhân đến một cánh đồng, nơi họ thay nhau hãm hiếp cô bé trong khi những người khác giữ cô không cử động.
Sau đó dùng quần lót của nạn nhân nhét vào miệng cho đến khi cô bé tắt thở. Cảnh sát cho biết McCollum xác định những người tham gia khác là anh trai cùng cha khác mẹ 15 tuổi của mình là Leon Brown cùng với ba thanh niên khác là Darrel Suber, Chris Brown và Louis Moore, tất cả đều sống ở Red Springs.
Trong khi McCollum bị thẩm vấn, Leon Brown, người cũng có vấn đề về trí tuệ (IQ của anh ta chỉ ở mức 49) bị bắt giữ và xét hỏi. Không lâu sau khi McCollum ký vào bản thú tội của mình, Leon Brown cũng ký vào bản thú nhận. Hai người do bị ép cung và bị áp lực tinh thần đã nghĩ rằng chỉ cần làm thế cảnh sát sẽ cho họ được về nhà.
Ngày 29-9-1983, McCollum và Brown bị giam giữ với cáo buộc tội danh giết người và hiếp dâm. Không có cáo buộc nào chống lại ba thanh niên được nhắc tới trong lời tự thú của họ. Hai trong số họ có chứng cứ được chứng minh vô tội. Cơ quan điều tra cũng không tìm thấy bằng chứng chứng minh có người phạm tội thứ ba trong vụ án.
Người thân vui mừng chào đón hai anh em khi họ được trả tự do. |
McCollum và Brown bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thượng thẩm Hạt Robeson vào tháng 10-1984. Các công tố viên chủ yếu dựa vào những lời thú tội và lời khai không quá rõ ràng của các nhân chứng.
Tuy vậy, cũng không có vật chứng hoặc dấu vết pháp y - bao gồm cả dấu vân tay được lấy ra từ lon bia – chứng minh trực tiếp được tội danh của McCollum hoặc Brown bị cáo buộc. Thế nhưng cả hai đều bị kết án tử hình vào 25-10-1984.
Brown được tái thẩm vào năm 1992. Khi đó bồi thẩm đoàn chỉ cáo buộc anh tội hiếp dâm và Brown đã được giảm án xuống tù chung thân. McCollum thì vẫn chịu án tử hình với hai tội danh giết người và hiếp dâm.
Nhưng ngày 22-10-1983, ba tuần sau vụ việc của Sabrina, tại Red Springs tiếp tục xảy ra vụ mất tích của thiếu nữ 18 tuổi Joann Brockman. Cùng ngày hôm đó, thi thể của cô đã được tìm thấy. Cô đã bị hãm hiếp và bóp cổ cho tới chết.
Các nhân chứng kể lại đã thấy Brockman trước khi cô mất tích trong công ty của Roscoe Artis, người cũng vừa mới chuyển tới sống tại thị trấn ít ngày. Cảnh sát đã bắt giữ Artis sau khi anh ta thú nhận hành vi hãm hiếp và giết người với Brockman. Artis bị kết án tử hình vào mùa hè năm 1984.
Leon Brown trong một buổi họp báo. |
Đi tìm sự thật
Trong quá trình điều tra lại vụ án nhằm bảo vệ cho thân chủ của mình, các luật sư của McCollum và Brown biết được rằng ba ngày trước phiên tòa xét xử năm 1984, cảnh sát đã yêu cầu Cục Điều tra bang North Carolina so sánh dấu vân tay từ lon bia trong vụ án của Sabrina với dấu vân tay của Artis.
Không hề có bất cứ tài liệu nào cho biết liệu việc so sánh đó có được thực hiện hay không, và yêu cầu này cũng đã không được tiết lộ cho phía các luật sư bào chữa.
Năm 2004, theo kiến nghị của McCollum, nhà chức trách đã yêu cầu xét nghiệm DNA trên mẩu thuốc lá được tìm thấy gần thi thể nạn nhân Sabrina. Báo cáo sau đó cho thấy nó không khớp với DNA của Brown hay McCollum.
Năm 2010, Ủy ban điều tra oan sai của North Carolina bắt đầu điều tra vụ việc theo đề xuất của các luật sư bào chữa cho hai người. Ủy ban đã yêu cầu hồ sơ kiểm tra DNA từ mẩu thuốc lá phải được nộp cho cơ sở dữ liệu DNA của cảnh sát bang North Carolina để đối chiếu.
Việc điều tra xác nhận được rằng hồ sơ DNA này khớp với DNA của Roscoe Artis, người vào thời điểm đó đang ở tù sau khi bản án tử hình của anh ta đã được hoãn thi hành.
Điều tra mở rộng thêm, các luật sư biết được rằng, Artis đã có tiền án về tội hiếp dâm và tấn công phụ nữ. Artis đã bị kết tội tấn công với ý định cưỡng hiếp vào năm 1957 và bị kết án 12 năm tù.
Anh ta được trả tự do vào năm 1967 xong lại bị kết tội hành hung một phụ nữ cùng năm đó. Sau khi hoàn thành bản án năm 1967 của mình, Artis đã lại hành hung một cô gái 16 tuổi và đi tù lần nữa.
Ngoài ra, tại thời điểm Artis chuyển đến Red Springs vào năm 1983, anh ta bị cảnh sát truy nã về tội giết người và cưỡng hiếp xảy ra năm 1980 ở Hạt Gaston, North Carolina.
Nạn nhân trong vụ án đó được tìm thấy trong tình trạng trên người chỉ mặc áo lót và áo sơ mi; có một vật thể bị nhét xuống cổ họng của cô. Tình trạng này gần tương đồng với nạn nhân Sabrina.
Sabrina Buie, nạn nhân trong vụ án. |
Khi ở trong tù, Artis cũng đã nhiều lần thừa nhận với bạn tù khác là Brown hay McCollum vô tội. Anh ta biết rất nhiều thông tin không được tiết lộ cho công chúng về vụ án của Sabrina kể cả như màu quần lót của cô bé.
Tháng 8-2014, các luật sư đã đệ đơn thay mặt McCollum và Brown yêu cầu bác bỏ các cáo buộc và huỷ bỏ tội danh của họ. Ngày 2-9-2014, đề nghị được chấp thuận, Brown và McCollum được trả tự do sau khi ngồi tù oan gần 31 năm. Công lý đã được thực thi dù có muộn màng.
Hành trình 5 năm đòi công lý
31 năm trong tù đối với hai người đàn ông là quá dài, cuộc sống của họ đã bị xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn. McCollum nói với báo chí về sự dang dở của mình.
“Từ lâu, tôi muốn tìm cho mình một người vợ tốt. Tôi muốn xây dựng một gia đình có công việc kinh doanh cá nhân và làm nhiều thứ khác. Tôi khó có cơ hội để hiện thực hóa những ước mơ đó nữa”.
McCollum và Brown bắt đầu theo đuổi các vụ kiện dân sự chống lại các cơ quan thực thi pháp luật vào năm 2015. Des Hogan, một luật sư khác giúp đỡ hai người, đã nói với tờ The Post rằng những người đàn ông này đã phải đối mặt với nhiều năm đau khổ về tinh thần, mất mát và là nạn nhân của việc bị kết án sai.
Nhiều người dân Mỹ phản đối án tử hình. |
Ngày 14-5-2021, sau gần 5 giờ đồng hồ thảo luận cân nhắc, bồi thẩm đoàn đã quyết định bồi thường cho mỗi người 31 triệu USD, tương ứng mỗi năm tù là 1 triệu USD. Hai người cũng nhận thêm 13 triệu USD bồi thường thêm tổn thất tinh thần.
“Tôi nói với bồi thẩm đoàn rằng họ quyết định mức độ đau đớn và chịu đựng của việc sống ở nhà tù trong 31 năm đáng giá bao nhiêu, và hỏi thêm 1 triệu đô la một năm có đủ để bù đắp cho việc sống không có tự do hay không?”, Hogan nói thêm.
Văn phòng cảnh sát hạt Robeson, một trong các bị đơn, đã dàn xếp phần bồi thường của mình trong vụ án với khoản tiền 9 triệu USD. Chính quyền thị trấn Red Springs trước đó vào năm 2017 đã chi 1 triệu USD dàn xếp trong vụ kết án oan này.
Vụ án của McCollum và Brown cũng đã làm dấy lên tranh cãi về ý kiến bãi bỏ án tử hình tại Mỹ.
Đỗ Tiến